Wednesday, July 28, 2010

Sài Gòn, Dinh Độc Lập của những thời khắc không bao giờ quên

SÀI GÒN, DINH ĐỘC LẬP CỦA NHỮNG THỜI KHẮC KHÔNG BAO GIỜ QUÊN.
Hồi ký chiến tranh của Đặng Hữu Cam ( Nguyên Trung đội trưởng- Trưởng xe 746 thuộc C3-D4 lữ đoàn 203 Tăng-Thiết giáp Quân đoàn 2)
[/i]
Bạn đọc thân mến!
Sài gòn Dinh Độc lập ngày 30 tháng 4 năm 1975, những thời khắc và sự kiện lịch sử đó của dân tộc đã lùi xa hơn ba mươi năm và với tôi, cũng gần bằng ấy thời gian rời quân ngũ trở về theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn ba mươi năm qua với bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng những sự kiện đó vẫn hiện nguyên trong tâm trí tôi không thể nào quên. Đã nhiều năm tôi có nguyện vọng được bày tỏ điều này với bạn đọc, song điều kiện không cho phép. Ngày nay, xã hội phát triển đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện ý nguyện của mình.Vậy với tư cách một người lính cùng chiến đấu trên một xe tăng, ở mũi tiến công của đại quân ta vào Dinh Độc Lập hơn ba mươi năm về trước, nay tôi xin sẻ chia với bạn đọc những gì mà tôi cùng đồng đội đã tham gia, đã ý thức được về những diễn biến của sự kiện đó, với mong muốn góp thêm chút thông tin nho nhỏ nhưng rất thật, tuần tự nguyên sơ như những gì nó đã diễn ra, góp phần làm phong phú thêm kiến thức của bạn đọc, những người ham muốn tìm hiểu về sự kiện lịch sử này xủa dân tộc, ngoài ra không còn mong muốn gì khác.
Xe tăng lội nước K3B mang số 746, trong trận tham gia đánh chiếm Sài Gòn, Dinh Độc Lập sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 và sự kiện vào Dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh cùng các diễn biến tiếp theo.
Xe tăng K3B – 746 cùng kíp chiến đấu trên xe gồm:
- Đặng Hữu Cam: Trung đội trưởng, trưởng xe - Quê: Thanh Hóa
- Phạm Văn Chỉnh: Pháo thủ - Quê: Thái Bình
- Phạm Văn Huấn: Lái xe - Quê: Thái Bình
- Nguyễn Thế Ngừng: Pháo 2 - Quê: Hải Dương
- Đồng chí Sáng: Pháo hai dự bị - Quê: Đông Anh, Hà Nội
- Đồng chí Sở: Quản lý đại đội, đi theo xe - Quê: Hải Dương
- Đồng chí trung đội phó Bộ binh phối thuộc: Không biết tên.
Là một trong ba xe còn lại, sau quá trình chiến đấu từ đèo Hải Vân trở vào, của Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp, thuộc Quân đoàn 2.
Sau một ngày dài hành quân như tắm bụi, trên con đường đất đỏ xuyên rừng cao su thuộc huyện Long Khánh, Long Thành tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã dừng chân tại một nơi cách tổng kho Long Bình khoảng 8 km về phía đông bắc. Rồi một đêm ngắn ngủi với bộn bề công việc nặng nhọc mà cấp bách, thường nhật trong hành quân chiến đấu. Nào là bổ sung hàng trăm lít nhiên liệu, cùng các tiêu hao vũ khí, kỹ thuật khác, kiểm tra khôi phục tình trạng kỹ thuật xe, pháo, tăng chỉnh lại xích…Việc đào hầm ngủ dưới bụng xe cũng khá vất vả, vì nền đất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng do đó anh em phải gắng sức cho xong trước lúc ăn cơm. Hầm tuy không rộng, chỉ sâu khoảng năm, sáu mươi phân, đủ chỗ cho bốn người nằm nghiêng, tráo đầu đuôi, nhằm đảm bảo an toàn trong khi ngủ. Cùng lúc đó việc triển khai bếp núc cũng gặp khó khăn, vì là vùng đồi hoang, lại xa khu dân cư, nên trong tối tăm lạ lẫm, việc tìm được nước sạch để nấu ăn, thật không phải dễ. Đã có lần cách đây không lâu, khi hành quân qua đất Quy Nhơn, Bình Định, đơn vị đã dừng chân tại một ấp chiến lược bỏ hoang cách đường không xa lắm, bao bọc quanh ấp là con mương đầy nước. Tối hôm đó, sau nhiều ngày hành quân trong nắng lửa miền Trung, anh em được bữa tắm giặt, cơm canh trà nước đã đời. Sáng hôm sau, sau hiệu lệnh báo thức, mọi người ra mương đánh răng rửa mặt thì phát hiện dưới đám cỏ gần đó, xác một lính Ngụy trương phình, căng rữa trong bộ rằn ri. Thật không còn gì để nói vì có móc họng ra cũng chẳng được. Cả ngày hôm đó, đơn vị phải hành quân với lương khô và nước lã.
Đúng 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Pháo 2 trực phiên gác cuối cùng, kiêm đầu bếp, đánh thức mọi người dậy ăn cơm sớm, chuẩn bị cho trận đánh Sài Gòn ngày hôm nay. Mặc dù ai nấy đều rất mệt nhưng tác phong khẩn trương. Cơm sáng nay tươm hơn mọi bữa: nguyên một hộp thịt lợn 250g được mở ra, cùng một ít ruốc mặn; nửa thùng lương khô nước uống chế thêm muối, mỳ chính làm canh. Cơm vừa xới chưa kịp ăn, thì có tiếng Tiểu đoàn phó Nguyễn Thanh Bình, quê Bần Hưng Yên đi từ phía trước lại: “Này Đại đội 3, xe ông Cam vẫn còn ngồi đây ăn cơm, Đại đội 4 họ đánh đến Sài Gòn rồi mà các ông còn ở đây”. Biết đồng chí nói quá, song chúng tôi ai vào việc nấy, nhanh chóng thu dọn, cố định lên xe và xuất kích. Trời vẫn tối chưa rõ mặt người, ngồi trên xe chiến đấu mà còn ngáp ngủ, người bải hoải rã rời, hai mí cứ xụp xuống. Đã hơn một tháng nay, kể từ khi bắt đầu hành quân chiến đấu, không đêm nào chúng tôi được ngủ quá ba tiếng đồng hồ vì cường độ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu luôn quyết liệt, căng thẳng và dồn dập hết trận này tới trận khác, tình huống này đến tình huống khác. Nhiều khi không thể nhớ được những gì đã trải qua, đầu óc cứ căng ra, người như lên cơn sốt.
Đã tới ngã ba Long Bình, trời cũng vừa sáng, xa lộ rộng mà vắng vẻ. Người đầu tiên tôi nhìn thấy là Thủ trưởng Lâm, tư lệnh trưởng Tăng tiết giáp, đứng ở lề đường bên trái, nơi có mấy túp lều quán bỏ không, tay cầm khẩu K59 khoát giục chúng tôi tiến nhanh. Băng vào xa lộ, xe bám theo phần đường bên trái. Được một đoạn gặp phải dải phân cách ở giữa, biết đi ngược chiều nên tôi đã cảnh báo lái xe. Nhưng có lẽ do chủ quan khi thấy dải phân cách mỏng và thấp, có thể đè bẹp nên lái xe vẫn cho xe tiến. Đi được khoảng 3 km thì lọt vào trọng điểm bắn chặn của pháo địch. Ngay phía trước, một chiến lũy bằng thùng phuy và bao cát do địch dựng lên chặn hết lòng đường. Khẩu đội pháo cao xạ 37 ly hai nòng của đơn vị bạn, lợi dụng sự che chắn của chiến lũy làm công sự, hạ thấp nòng bắn thẳng về phía địch nhưng đã có một đồng chí bị thương nằm bất động trên cáng, máu me đầy người. Xe 746 vội băng qua dải phân cách để sang đường thì bỗng…Hịch...một cú hất cực mạnh, 746 chồm lên, tròng trành rồi nằm im. Hai băng xích bơi trong không khí do bị đội bụng, xung quanh đạn nổ chát chúa. Tôi bật đài báo về đại đội. Vài phút sau, hai xe của đơn vị đã tới kịp tổ chức ứng cứu 746 ra khỏi vòng nguy hiểm lại tiếp tục tiến. Sắp tới Thủ Đức, lại là một trọng điểm bắn chặn của địch, đạn pháo chăng lửa khắp đường. Vượt qua trọng điểm, trước mặt đã là ngã tư Thủ Đức, phố xá có phần chen chúc, những tấm biển quảng cáo to nhỏ loè loẹt. Vừa vào ngã tư thì gặp ngay xe tăng K1 của Tiểu đoàn 1, đi từ phía chợ Nhỏ ra, đang rẽ hướng Sài Gòn ( K1 là loại xe tăng hạng nặng). Nổi bật ở vị trí trưởng xe là đồng chí Nhỡ, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, người đậm đà, quân phục gabađin màu xanh lá mới coong, mũ cối mới, bên hông đeo xà cột da của Liên Xô màu cánh gián bóng loáng, cánh tay đeo băng đỏ trông rất uy nghiêm. 746 bám theo sau. Từ đây, hai bên đường, quân phục súng đạn của Ngụy trút bỏ ngổn ngang. Thi thoảng bắt gặp từng tốp ba, bốn tên tàn quân cởi trần, quần đùi chân đất, sau lưng tòng teng một túm nhỏ tư trang, lê những bước chân thất thểu vô hồn, cuốn đi trong lốc bụi ven đường.
Khi còn cách Sài Gòn khoảng hơn 10km, lại một tốp tàn quân phía trước, xe K1 của đồng chí Nhỡ vừa lao qua, bỗng tên đi đầu nhanh như chớp, vồ lấy khẩu AR15 trước mặt, kẹp ngang hông, xiết trọn cả băng về phía lưng đồng chí Nhỡ. Bắn xong, hắn ném súng xuống, bước đi lạnh lùng.
Tình huống thật bất ngờ diễn ra ngay trước mắt và chúng đã ở quá gần sát bên phải đầu xe. Lập tức đồng chí Bộ binh theo xe ngồi liền đấy đã bật dậy, xả đạn AK vào đầu chúng. Tất cả có năm tên: hai tên đi sau to cao, còn trẻ; tên đi giữa hàng đầu là già nhất khoảng 50, người tầm thước, hơi còm, tóc cua quá lứa, râu ria lởm chởm, chính hắn đã chộp súng bắn đồng chí Nhỡ; hai tên hai bên cũng cao to, khoảng 30-35 tuổi. Tôi đoán đây có thể là bộ chỉ huy cấp trung hay sư đoàn Ngụy gì đó. Xe K1 dừng lại bên đường.
746 lại tiếp tục tiến, đã tới gần cầu xa lộ, cây cầu cong vồng lên vắt qua con sông rộng. Lúc này, trên đầu xuất hiện tốp máy bay phản lực A37 của địch. Chúng quần đảo bổ nhào vài lần về phía 746 rồi lảng ra xa. Đồng chí Pháo 2 phụ trách súng cao xạ 12 ly 7 luôn cảnh giới chúng. Tôi cho xe chạy chậm lại. Phía trước bên lề đường bên phải, một đồng chí của đơn vị bạn đang chạy ngược về tuyến sau, đầu quấn băng trắng xổ ra một đoạn như đuôi diều. Tiến gần cầu chút nữa, một cảnh tượng thật nao lòng: ngay đầu cầu địch dựng lên một chiến luỹ bằng thùng phuy và bao cát phủ đầy thép gai, lấp gần hết mặt đường. Lối mở lên cầu vừa đủ cho chiếc xe tăng K1 nặng 36 tấn của đơn vị bạn bị bắn đứt xích nằm lấp gọn. Hai chiếc sau lùi sang lề đường bên trái đều bị sa lầy, bùn đất lấp đầy băng xích, còn nhô lên hai tháp pháo, nòng đại bác gác lên trời, các cửa xe mở hoác không một bóng người.
Tôi cho xe dừng lại sát lề đường bên phải dưới tán một cây bàng, nơi có lối nhỏ dẫn vào khu nghĩa địa xây, cách đầu cầu khoảng 100 mét. Rồi lưu ý các thành viên tăng cường quan sát đề phòng địch phục kích. Ít phút sau bất chợt xuất hiện trên đỉnh cầu, nhòe trong nền trời xanh là hai tháp pháo xe tăng địch, họng đại bác đen ngòm chiếu thẳng về phía chúng tôi...Đạn xuyên, tăng trên cầu...(Khẩu lệnh bắn chưa hết) Thoáng nghĩ tấn công ngay có nên không, vì mục tiêu rất hạn chế, lại ở trên cao, rung rinh mờ ảo. Nếu bắn, đạn dễ chạm mặt cầu văng khỏi mục tiêu trong khi ta đang nằm chềnh ềnh trong tầm ngắm của chúng. Vì vậy, lợi thế thuộc về đối phương, nhất cử nhất động lúc này đều dẫn đến nguy hiểm. Tôi quyết định tạm án binh bất động, chỉ tấn công khi tình thế bắt buộc. Ngoài xe, đồng chí Sáng và đồng chí Bộ binh đã nhanh chóng rời xe, ẩn vào khu mả xây.
Tình thế trở nên gay cấn, không khí trong xe lặng đi, không ai rời mắt khỏi chúng. Thời gian như dừng lại, căng thẳng đến tột cùng. Năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút, hai nòng đại bác của chúng vẫn thách đố sự can đảm của chúng tôi. Phải bảo toàn lực lượng khi còn có thể...Hai mươi phút đã trôi qua, căng thẳng bỗng dịu đi khi một, rồi hai chiếc tháp pháo của chúng chìm dần, chìm dần rồi mất hút nơi đỉnh cầu. Có tiếng thở phào nhẹ nhõm, tôi ngoảnh nhìn lại phía sau vẫn chưa có xe nào của đơn vị tới kịp. Trên đầu, máy bay vẫn gầm rú, tiếng bom nổ nặng trịch, đất đá rào rào. Tôi bật đài báo cáo về tiểu đoàn và đề nghị cho lực lượng lên kéo xe đứt xích ra khỏi vị trí để thông đường. Ít phút sau, hai xe tăng K1 được điều lên, lần lượt kéo hai xe sa lầy, xe đứt xích về phía sau. Thật bất ngờ, trưởng xe đứt xích là anh Hoà râu (tức Nguyễn Quang Hoà), người thị xã Hà Đông, nguyên Trung đội trưởng của đơn vị, giờ là Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn bạn. Xa nhau đã lâu, nay gặp lại trong chiến đấu thật hồ hởi thân tình, biết bao điều muốn nói.
Nhân lúc có lực lượng hỗ trợ, 746 tranh thủ thay trục vai cong bên phải bị gãy do lúc băng qua dải phân cách để sang đường. Công việc vừa xong thì anh em phát hiện một chiếc tàu vận tải biển loại lớn đang đi vào hướng cửa sông, thân tàu khuất dưới rặng cây phía xa. Các xe tập trung hỏa lực tấn công tàu. Mới bắn được hai loạt bỗng anh Hoà kêu lên: “Ố xe tăng M48 của địch sang cầu!”. Ngoảnh lại đã thấy nó qua gần hết cầu và rồi tức thì, liên tiếp hai chớp lửa chói lòa lóe lên từ trong bụng nó cùng hai tiếng nổ đinh tai, khiến nó bật lên khỏi mặt cầu rồi đổ rầm xuống. Sau hai lần như vậy, nó lạng sang mép cầu bên phải và nằm dị ở đó. Trong khói lửa, tên giặc lái sống sót lóp ngóp bò ra hàng. Hai tay giơ cao, hắn chệnh choạng đến đứng trước đầu xe anh Hòa – xe vừa “ký tặng” chiến xa của hắn bằng hai phát đại bác cực căng.
Anh Hòa quát: “Trong xe còn thằng nào không?”
Hắn “Dạ, còn thằng chỉ huy và hai thằng pháo thủ nhưng chết cả rồi.”
Anh Hòa hỏi tiếp: Thế sang cầu làm gì?
- Dạ, con sang để hàng các ông nhưng lại bị các ông bắn.
- Hàng sao không theo đúng quy định của quân Giải phóng là nòng pháo phải đánh cao hết cỡ và quay về phía sau, các cửa xe phải mở, thành viên đứng hết ra ngoài và cắm cờ trắng?
- Dạ, con đâu có biết điều đó, cứ nghĩ chạy qua bên đây là các ông cho hàng.
- Thế tại sao lại hàng?
- Dạ, vì từ hồi sáng đến giờ, mấy thằng nó cứ đánh bạc, sát phạt rồi chửi nhau hoài. Con can ngăn chúng nó không nghe, còn chửi bới và bắt con pha trà cho chúng uống. Cực chẳng đã, con chạy qua hàng quách các ông cho rồi.
- Thế bên kia cầu còn lính không?
- Dạ, còn hai chiến xa M41 và một bọc thép M113.
Trận địa trở lại im ắng. Khoảng 15 phút sau, trên đỉnh cầu xuất hiện một, rồi hai chiếc Honda lao sang. Chiếc xe nữ đi đầu vừa tới thì anh em xô ra, nó sợ quá đổ vật ngay đầu 746. Chiếc xe nam đi sau thấy vậy vội cua ngược trở lại ngay lưng chừng dốc, ngồi cúi rạp trên xe là hai người đàn ông khi tôi dùng khẩu 12 ly 7 bắn chặn, nhưng họ đã không dừng lại mà chạy thoát. Lúc này, người đi xe đầu bò dậy, quỳ trước 746. Ông ta run lẩy bẩy, hai tay chắp trước ngực, miệng lắp bắp:
“Lạy các ông, xin các ông, con là người Việt gốc Hoa, con không đi lính Quốc gia, không đi Quân dịch, xin các ông đừng bắn. Con đi thăm bà con ngoài này, con không biết các ông đang ở đây.”
Tôi hỏi:
“Tại sao người Việt gốc Hoa lại không đi lính?”
Ông ta nói:
“Dạ, ở trong này luật pháp quy định như vậy ạ!”
Thoáng trông ông ta như Thầy cúng – bộ đồ màu ghi nhạt, đội mũ phớt, người dong dỏng, chừng 35-40 tuổi. Tôi lại hỏi:
- Thế bên kia cầu có lính chốt không?
Ông ta nói:
- Dạ, vừa nãy có hai chiến xa M41 và một bọc thép M113. Chúng nó đã rút về cầu Thị Nghè rồi.
Tôi hỏi lại:
- Có thật không?
- Dạ, nói xạo con chết ạ – ông ta trả lời.
Lúc này khoảng 9 giờ, tôi báo về Tiểu đoàn tình hình trên và Tiểu đoàn yêu cầu giải gấp người đó về Tiểu đoàn. Tới khoảng 9 giờ 30 phút, Tiểu đoàn phát lệnh tấn công đánh chiếm Dinh Độc Lập. Đồng chí Bình - Tiểu đoàn phó đã có mặt trực tiếp phân công. Xe tăng K1 của Đại đội 4, do đồng chí Hùng Trung đội trưởng người Phú Thọ là Trưởng xe được điều lên đi đầu, xe tăng 746 của Đại đội 3 do tôi là Trung đội trưởng làm Trưởng xe đi thứ hai. Trước khi xuất phát, Tiểu đoàn phó Bình đã trao cho tôi mảnh giấy bằng bàn tay, trong đó có sơ đồ vẽ tay ghi rõ: khi qua cầu, đến ngã tư đầu tiên thì rẽ trái, đi qua ba ngã ba, đến ngã ba thứ tư có tấm biển to đề Thảo Cầm Viên thì rẽ phải; đi hết đoạn đường này sẽ gặp cổng chính của Dinh Độc Lập đối diện với con đường; tần số liên lạc và quy ước chỉ huy: ưu tiên 01 – Tiểu đoàn, 02 – xe đi đầu của đồng chí Hùng, 03 – xe 746 đi thứ hai. Sau đó đồng chí cho biết: bắt đầu từ bây giờ Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy các xe.
....Lực lượng chiến đấu của Quân đoàn 2 lúc này đã hội quân đông. Đi đầu đội hình là các Tiểu đoàn Tăng, Thiết giáp, tiếp đến pháo Cao xạ, Bộ binh cơ giới...nối đuôi nhau thành hàng dài tít tắp.
Khi băng qua cầu, điều làm tôi bất ngờ là giữa lúc bom đạn rầm rầm như vậy mà rất đông bà con không nề hà, bất chấp nguy hiểm tụ tập hai bên đường, cờ hoa rạng rỡ hân hoan chào đón quân Giải phóng. Không khí đang tưng bừng thì bỗng một tràng đại liên vang lên, đạn sượt qua đầu bà con vội thụp xuống, nhốn nháo hoảng loạn. Biết xe mình bắn, tôi đạp nhẹ vào vai Pháo thủ Chỉnh: “Không có lệnh, sao lại bắn?”, “Hề hề...chỉ bắn doạ thôi!” Pháo thủ cười trả lời.
Xe đến ngã tư rẽ trái, phố xá vắng vẻ, cửa nhà im ỉm. Đã qua ngã ba thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba mà vẫn chưa gặp ổ đề kháng nào. “Cầu Thị Nghè ở đâu?” - điều mà tôi canh cánh vì ở đó xe tăng địch đang chốt giữ nên phải thật cảnh giác. Đã đến ngã ba thứ 4, tấm biển xanh chữ trắng đề Thảo Cầm Viên bên đường. Theo đúng sơ đồ chỉ dẫn, xe rẽ phải và hiện ra trước mắt là con đường thẳng tắp, rộng và đẹp. “Nhưng sao không thấy xe đi đầu?” Tôi vội báo về Tiểu đoàn và được lệnh: “Tất cả dừng lại”. Liền sau đó vang lên năm sáu tiếng đại bác, nghe gần phía trước, chếch bên phải. Rồi tiếng Tiểu đoàn trưởng trên mạng gọi xe đi đầu. Pháo thủ của xe đó báo cáo về: Do rẽ nhầm đường, khi đến gần cầu Thị Nghè thì bị hai xe tăng M41 của địch bắn hai phát đạn pháo, nhưng rất may toàn là đạn nổ nên xe không việc gì (đạn nổ thường không phá hủy được xe tăng hạng nặng). Riêng đồng chí Hùng trưởng xe bị thương vào bộ hạ do mảnh. Sau đó, ta dùng đạn xuyên tiêu diệt chúng cùng một chiếc bọc thép M113. Lệnh của Tiểu đoàn: xe đó băng bó cho đồng chí Hùng xong nhanh chóng quay lại đội hình...Trong lúc tạm dừng, tôi mới có dịp quan sát đội hình phía sau: xe K1 của anh Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 đỗ cách 746 khoảng hai chục mét, sát lề đường bên trái, khuất một phần sau xe 746 vì 746 đi lệch sang trái khoảng 2/3 lòng đường. Xe K1 của anh Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên Đại đội 4 đi thứ ba lệch sang phải đường, ở vị trí sắp qua ngã ba,...
Tất cả tiếp tục tiến. Các xe đồng loạt nhấn ga, đất trời như rung chuyển, tiếng động cơ gầm rú, tiếng xích nghiến trên đường. Cả đoàn quân hùng mạnh đang tiến đến hang ổ cuối cùng của địch. Từ đây 746 đi đầu đội hình, tốc độ hành tiến khoảng 8 đến 10 km/giờ. Tôi lưu ý các thành viên tăng cường quan sát, cảnh giới từng gốc cây, ô cửa vì rất có thể đó là những ổ đề kháng bất ngờ và nguy hiểm. Bên tay phải đã đến Nha Cảnh sát Đô thành. Phía sau hàng rào và cổng sắt, trên khoảng sân rộng, rất đông Cảnh sát Ngụy cởi trần, đứng thành nhiều hàng ngang giơ tay hàng. “Chúng hàng rồi không bắn bỏ qua!” Kia rồi nơi cuối đường, Dinh Độc Lập chăng ngang, toà nhà màu sáng bạc, phía trước có mấy ô cỏ xanh, có đài phun nước. Các thành viên chú ý.
Không còn bao xa nữa, 746 cùng đoàn quân quyết thắng đang tiến nốt chặng đường tới chiến điểm cuối cùng. Một cảm xúc dâng trào trong tôi. Chặng đường đó mà cả dân tộc đã hành quân suốt mấy mươi năm chông gai máu lửa, đớn đau mất mát, con đường mà 746 và bảy chiếc khác của đơn vị, đã băng qua năm tháng với cả ngàn kilômét, khởi nguồn từ quê hương Trung Mầu dưới chân Tam Đảo, đến Vĩnh Linh-Quảng Trị bên dòng Bến Hải, vượt Trường Sơn leo Cổng Trời, cúi nhìn máy bay địch quần đảo dưới lưng đèo. Rồi rừng thông (phơ mu) nước bạn, địch phủ đầu bằng rốc-két, bom bi, qua Động Tranh đất lở xe lăn vực. Động Cô Tiên một trọng điểm bất ngờ, nơi xác ô tô nằm trơ trên đỉnh dốc là mục tiêu cho F4 bổ nhào, cách không xa 746 ẩn mình treo miệng vực, đúng tầm bom sàn sạt đầu xe. Quả này, quả này bao quả này sẽ trúng, nghẽn con tim trong mỗi tiếng bom rơi. Đồng đội tôi cũng buồn khê tái lặng, bóng tối trong xe đâu che hết nỗi buồn, ai hiểu hết nỗi niềm người trong cuộc, gần trọn cả ngày gồng sức hứng bom. Và thật may, miệng vực kia đã nuốt sạch bom thù. 746 vẫn vẹn nguyên trong gang tấc tử thần.
Qua dốc Con Mèo ngã ba 71, A Lưới A Sầu nơi dừng quân mai phục. Rồi xuân 1975 chiến dịch mở màn, đánh đèo Hải Vân, Đà Nẵng, Sơn Trà, đánh Phan Rang phòng tuyến thép, bến cảng, sân bay ra Cà Ná bắn tàu chiến địch, giải phóng Phan Rí, Phan Thiết, Hàm Tân, 746 luôn chiến đấu tốt trong đội hình đại đội, mũi thọc sâu truy kích địch của Quân đoàn, gần suốt chiều dài chiến trường miền Nam từ Bình Điền - Thừa Thiên trở vào nay là Dinh Độc Lập.
Đã đến công viên cây xanh ngay trước Dinh Độc Lập. Cây to cỡ người ôm, mọc trải rộng sang hai bên...Tôi quan sát thấy phía bên kia vườn cây bên trái, nơi góc phố phía trước, xuất hiện một số người Tây và người Á. Họ đi tách từng cặp. Người Tây trên tay đều có máy ảnh, máy quay phim. Người Á theo sát với một túi to bên hông, trước ngực là tấm biển lớn đề báo Canađa, báo Anh, báo Úc đại lợi ...có bảy, tám cặp như vậy. Họ tản vào vườn cây, mon men tới gần cổng rồi ẩn sau các thân cây. Duy có cô phóng viên người Tây bạo dạn nhất, nhanh nhẹn men theo hàng rào B40 đến sát cổng phụ bên trái rồi quỳ phục ở đó. Cùng lúc, 746 đến cách cổng chính chừng 20m thì dừng lại. Ông người Á đi cặp với cô Tây liền tách ra, đến đứng thản nhiên trên vỉa hè ngay cạnh đầu 746. Trông ông ta thật khoẻ, người đậm đà, tầm thước, da ngăm, tóc hoe, mặc quần sóoc, áo cộc màu lòng tôm đã sờn vai. Xệ ngang đùi phải là túi đồ nghề to xụ và tấm biển trước ngực đề báo danh mà tôi không nhớ.
Lúc này là 10 giờ 15 phút, tôi bật đài báo cáo về: 01 (tức tiểu đoàn), 03 (tức 746) đã tới sát cổng Dinh Độc Lập, cổng sắt đóng chặt, xin chỉ thị. Lệnh của đồng chí Phạm Ngọc Bảng, Tiểu đoàn trưởng người Nam Định; “Húc đổ cổng xông vào!”. Tôi truyền lệnh cho lái xe. Húc đổ cổng xông vào. Không hiểu sao, 746 cứ rung lên, tiếng bánh răng cà vào nhau tới vài lần, xe vẫn ì ra. Bỗng nghe tiếng ào ào bên trái, ngánh sang thấy ông người Á nhẩy lùi về phía vườn cây, cũng là lúc xe anh Thận lao qua, một băng xích đè lên vỉa hè, vượt qua 746 khoảng hơn một thân xe thì tới cổng phụ bên trái, xe khựng lại, đầu chúi xuống, đuôi nhổm lên... Tiếp bên phải, xe anh Vũ Đăng Toàn ào lên, với phần đường rộng, khi vượt qua 746. Xe chỉ chỉnh hướng nhẹ sang phải, là tông thẳng vào cổng chính, cổng sắt bật tung. Ngay sau đấy, xe anh Thận khởi xe húc đổ cổng phụ rồi rẽ ngoặt sang trái. Lúc này, 746 đã vào được số, bám theo xe anh Toàn. Vừa tới cổng thì cô nhà báo người Tây ban nãy liều lĩnh lách qua đầu xe, trông thật nguy hiểm. Đồng chí Bộ binh trên xe vội nhổm dậy, trừng mắt rê súng về phía cô khiến cô luống cuống né người che mặt, tay phải hua hua trước mũi súng và bật ra một tràng tiếng Việt: “Xin các ông đừng bắn, cho tôi ghi lại những hình ảnh lịch sử này.” Vừa nói, cô vừa chạy vượt lên nằm ngửa ngay trước đầu xe, đạp gót đẩy người trượt trên cỏ, cố nghển cao đầu nâng máy, để quay 746 từ dưới lên một cách khó khăn. Thấy vậy, ông người Á vội chạy đến, xốc nách nâng đầu cô ta lên ngang bụng mình rồi đi lùi, giữ khoảng cách với xe. Cô ta khoảng 25 tuổi, người thon thả, da trắng, tóc vàng ngang vai, mặc áo chẽn đuôi tôm màu sáng, quần bò bó hơi loe, giầy si mông.
Ngoảnh sang phải, trên thảm cỏ sát hàng rào ngay cổng, một tốp lính Ngụy cỡ Trung đội, cởi trần ngồi theo hàng quay mặt lại, chân mở bằng vai, hai tay khoanh trước gối, miệng cười bất đắc dĩ. Súng bộ binh gá một bên. Liền đấy là một dãy xe cơ giới gồm: Một xe Jep, một xe đốp, một xe DMC mui trần, trên thùng bố trí khẩu cao xạ 14 ly bốn nòng, sau cùng là xe bọc thép M113, được trang bị súng phun lửa loại lớn, với hai thùng xăng kếp to đùng sơn màu nõn chuối, đặt trong bụng xe... Xe anh Toàn tiến lại gần bậc lên xuống của tiền sảnh, lệch sang phải một chút rồi dừng lại. 746 đỗ sát phía sau. Các xe khác tiếp tục tràn vào khuôn viên phía tay trái, ít phút sau đồng chí Chính viên Tiểu đoàn Phạm Công Đính đã có mặt, chỉ huy các xe triển khai tạo thành thế bao vây Dinh Độc Lập. Ngay sau khi vào vị trí, đồng loạt mỗi xe bắn chỉ thiên hai băng 12 ly 7 để thị uy và ăn mừng chiến thắng. Tiếng nổ đầu nòng của cao xạ 12 ly 7 nghe chát chúa kéo dài, làm đinh tai nhức óc. Loạt bắn vừa dứt, bỗng rộ lên tiếng súng Bộ binh, tiếng đại bác nghe gần phía trước, đang dịch chuyển về phía Dinh, nghĩ là địch tổ chức phản công nên tất cả lại vào vị trí chiến đấu. Ít phút sau, tiếng súng lặng đi. Trinh sát Quân đoàn báo về, đó là Quân đoàn bạn đang đánh chiếm bộ Tổng Tham Mưu Ngụy và hướng về Dinh Độc Lập nhưng ta đã kịp thời thông báo là đã đánh chiếm được Dinh, phía bạn lập tức chuyển hướng tấn công. Không khí trở lại bình thường. Tôi nhảy xuống đất, đi lại cho rảo chân, ngắm nhìn đàn voi chiến hùng mạnh cùng Bộ đội ta tràn vào sân. Lãnh địa cuối cùng của quân thù sau bao ngày xông pha trận mạc, thấm đẫm bụi đường, mình đầy thương tích: cái thì mất hết chắn bùn, trơ gọng nhe hai băng xích; cái dưới đắp đất đen, trên trát bụi đỏ, giắt bên sườn nắm lá ngụy trang nặng rũ bụi. Sau các tháp pháo, lủng củng nào nồi, nào vung, nào củi, nào vỏ thùng lương khô, lưng bao gạo; cái thì bị đạn địch khoét một miếng sâu hoắm, to bằng miệng rá sau gáy; cái thì pháo cứ ngơ ngơ do bị đạn B40 của bộ đội địa phương khoá cổ sau lần họ chặn địch nhầm sang ta. Cờ Giải phóng trên các xe, cái nào cũng rách bươm mờ bụi. Bộ đội cũng vậy, người quen nếu không ở cùng thì cũng khó mà nhận ra nhau, toàn một màu đất đỏ, chỉ còn răng, môi và mắt, nhòe nhoẹt. Nhà báo nước ngoài thì vội vàng, quấn quít, quay ngược, chụp xuôi, thoắt đứng thoắt ngồi, xục ống kính vào mọi chỗ, mọi nơi có thể...Cảnh tượng thật khó quên.
Thời điểm này, các xe vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không ai tự ý rời khỏi vị trí của mình. Ngay cả các đồng chí Bộ binh Thiết giáp cũng vậy, họ tuồn ra đứng ngồi cạnh xe. Thảm cỏ rộng trước Dinh vẫn là ranh giới không ai qua lại, duy hướng chính giữa có xe anh Toàn và 746 là tiếp cận gần Dinh nhất nhưng chưa ai thâm nhập vào Dinh, có chăng chỉ là đứng ngoài quan sát. Ngay sau đó, thấy anh Đính, rồi anh Thận, tiếp sau là anh Đỗ Xuân Bốn, Đại trưởng Đại đội 3 chúng tôi, cùng đồng chí liên lạc Tiểu đoàn với súng đạn chỉnh tề gấp gáp lên phía đầu xe anh Toàn. Ít phút sau, anh Bốn chạy lại: “Này ông Cam, vào xe lấy một khẩu AK, ba băng đạn, hai quả lựu đạn và bao xe. Khẩn trương lên xe anh Toàn gặp tôi làm nhiệm vụ gấp!” Đi được vài bước, anh quay lại “Này ông Cam”, anh đưa hai tay làm hiệu rồi nói “Ông phải kiểm tra, ấn ấn thế này. Nếu đạn còn xuống nghĩa là thiếu, phải bổ sung cho đầy.” rồi quay vội đi. Thực ra, để kiểm tra băng đạn còn đủ hay thiếu không cần phải làm như vậy, song tôi cảm nhận thấy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng và khẩn trương. Khi tôi lên, ở đó đã có sáu, bảy người. Cậu liên lạc khoác khẩu AK báng gỗ, đứng bên trái đầu xe, anh Bốn và anh Toàn đứng chắn ngang trước mũi xe, mỗi người quay một hướng. Anh Bốn quay mặt vào Dinh vẻ như đang quan sát địa hình, vai khoác khẩu tiểu liên báng gấp của Tiệp. Còn anh Toàn hông đeo khẩu K54, vẻ mặt tươi cười như đang tiếp chuyện anh Đính - Chính viên Tiểu đoàn, cùng anh Thận và mấy đồng chí khác đứng chếch bên phải đầu xe. Thấy tôi lách cách súng đạn chạy lên, anh Bốn quay lại “À ông Cam đây rồi. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là lên bắt Tổng thống Dương Văn Minh. Tôi và anh Toàn đã thống nhất phân công như sau: Ông Cam đi đầu, đi thứ hai là đồng chí liên lạc, tôi (tức anh Bốn) đi thứ ba, đi sau cùng là đồng chí Toàn. Chúng ta tiến theo đội hình zíc zắc. Căn cứ vào địa hình, người sau cách người trước vừa đủ để quan sát và hỗ trợ cho nhau. Bắt đầu tiến!” Mệnh lệnh vẻn vẹn chỉ có vậy, không một chút thông tin gì về Tổng thống, hiện ông ta đang ở đâu trong toà nhà to thế này, lực lượng bảo vệ ra sao? Mặt mũi ông ta thế nào?... Liệu ông ta có còn ở đây hay giống như Tỉnh trưởng Phan Thiết, khi ta đánh chiếm thị xã, 746 đã đột kích vào Dinh Tỉnh trưởng, tay Tỉnh trưởng đã vội bỏ chạy tháo thân, không kịp ra máy bay trực thăng đang nổ máy chờ sẵn phía ngoài cổng. Nếu vị Tổng thống này cũng như vậy thì khó mà tìm được ông ta. Nhưng dù sao cũng phải hết sức cảnh giác, nhất là sau những góc tường, những cửa phòng mở hé...đều rất nguy hiểm. Chúng tôi tiến theo lối thảm đỏ. Băng qua tiền sảnh – ranh giới cuối cùng giữa ta và địch. Vừa bước được hai bậc cầu thang bỗng có tiếng gọi giật “Ê các chú lính”. Ngoảnh lại thì thấy một cụ già khoảng 60 tuổi, vừa bước ra khỏi phòng, ngay đầu hành lang bên phải, dáng bộ ung dung thư thái, râu tóc bạc, người hơi xương, tầm thước, mặc bộ đồ ta màu nâu nhạt, giày đen, tất trắng, găng tay trắng, chống gậy ba toong, giọng pha tiếng Bắc: “Có phải các chú lên chỗ nội các đang họp không?” Anh Bốn và anh Toàn đáp: “Chúng tôi lên bắt Tổng thống Dương Văn Minh.” Ông nói: “Tổng thống đang họp cùng nội các trên đại sảnh, mời các chú đi lối này cho nhanh, xéo qua tiền sảnh đến trước khung cửa xếp”. Ông thò tay vào trong, lần sờ công tắc hay nút bấm gì đó, rồi tôi nghe như tiếng chuông reo văng vẳng trên cao, tiếng xè xè rất êm từ trên xuống. Khi cửa xếp mở ra, trong cabin thang máy, một cậu bé chừng 13, 14 tuổi, mặt mày tươi tắn, nửa đứng nửa ngồi trên chiếc ghế lửng sát góc trong bên trái. Bộ lễ phục gồm: quần soóc tím than quai đeo, áo sơ mi trắng cộc tay, mũ ca nô trắng, giày đen, tất trắng, găng tay trắng, nơ đen, dáng thanh tú. Ông mời chúng tôi vào cabin rồi dặn cậu bé: “Cậu đưa các ông đây lên đại sảnh, nơi Tổng thống và nội các đang họp.” Cửa xếp đóng lại, tôi hơi chột dạ nhưng rồi không có chuyện gì xảy ra, thang chạy rất êm. Lần đầu tiên được thấy, được đi, tôi quan sát thấy góc cao bên phải của cabin có mấy núm đèn. Khi thang chạy thì đèn xanh, qua các tầng thì đèn vàng nháy, đến đèn vàng thứ ba thì thang dừng lại, cửa xếp mở ra theo hướng hành lang bên phải. Cậu bé chỉ tay rồi nói: “Mời các ông đi thẳng lối hành lang này, tới cuối hành lang gặp cửa đối diện, đó là đại sảnh, Tổng thống và Nội các đang họp ở đó. Cửa kế bên trong đại sảnh là văn phòng Tổng thống”....
...Ra khỏi thang, tôi thận trọng quan sát rồi nhanh chóng tiến vào hành lang, khom người đi nép vào tường, súng lăm lăm sẵn sàng bắn. Đi khoảng mươi bước, thoáng nhìn lại phía sau, thấy anh Toàn, người sau cùng cũng vừa bước ra khỏi thang, hai tay giương khẩu K54 ngang bên mặt, nghiêng người thận trọng tiến vào hành lang... Đã tới gần khung cửa rộng, thoạt nhìn thì đại sảnh hơi tối. Thẳng lối cửa vào là một cái bàn to hình bầu dục, chạy dài vào phía trong, mặt bàn màu cánh gián. Đối diện đầu bàn phía trong là chiếc ghế bành bọc lụa màu vàng, tựa lưng có hình cầu màu đỏ, vành lửa bao quanh. Hai dải lụa vàng thêu rồng chầu hai bên. Hàng ghế quanh bàn có tựa cao hình bán nguyệt, không có người ngồi. Tiến thêm chút nữa, thấy sát tường bên phải, ngang ghế bành ra, một người đàn ông cao to đứng chắp tay phía sau, mặt hướng ra hành lang phía cổng, vẻ như chăm chú quan sát Bộ đội ta đang bao vây trước Dinh. Ông ta mặc bộ đồ ký giả cộc tay màu xám nhạt. Không có biểu hiện gì nguy hiểm, tôi tiến thêm vài bước, phát hiện sát chân tường bên trái, cạnh khung cửa lớn màu cánh gián khép chặt, có hai người nằm song song úp mặt xuống sàn, hai tay ôm lấy đầu...Lại một người nữa nằm phủ phục phía trên, cũng hai tay ôm đầu...Rất im ắng, không có động tĩnh gì, tôi tiến tới cửa, ngay chân tường bên phải, một người đàn ông ôm đầu nằm phủ phục, vội đứng dậy, lom khom chắp tay xoa xoa trước ngực, cười gượng gạo: “Dạ thưa ông, tôi là Thủ Tướng (ông xưng tên mà tôi không nhớ). Nội các chúng tôi đang họp bàn giao chính quyền cho đại diện bốn bên về phía các ông”. Trông ông ta tầm thước, mặt hơi xương, trán cao, tóc thưa, vẻ cương nghị quyết đoán, áo sơ mi trứng sáo bỏ ngoài quần, tay xắn lửng, quần âu màu técgan. Tôi quát: “Tổng thống Dương Văn Minh đâu?” ông ta rụt rè từ từ quay mặt lén nhìn người vẫn đứng phía trong, rồi đưa tay chỉ: “Dạ, dạ thưa ông, kia là tân Tổng thống Dương Văn Minh ạ.” Như chỉ chờ có vậy, người đó liền quay lại, khuôn mặt đẫy đà, đeo kính trắng. “Vâng, chính là tôi – Đại tướng, tân Tổng thống Dương Văn Minh đây”. Có tiếng bước chân của các đồng chí đang đến phía sau. Tôi lại quát: “Nếu đúng Tổng thống Dương Văn Minh, xin mời đi theo chúng tôi.” Anh Toàn và anh Bốn cũng quát như vậy.
Giải ông ta xuống lối cầu thang bộ, tôi luôn duy trì một khoảng cách an toàn với ông. Ra khỏi tiền sảnh rẽ theo lối xe xuống, khi gần tới chân dốc, bỗng ai đó phía gần cổng kêu lên: “Ố, Dương Văn Minh, Dương Văn Minh!” Lúc này rất đông bộ đội ta đang tụ tập quanh các xe phía sát hàng rào, có cả các nhà báo nước ngoài. Tất thảy họ sững lại trong giây lát rồi ùa cả vào. Trước tình thế đó, ông ta vội quay lại và nói với tôi rằng: “Thưa ông, xin các ông bảo toàn tính mạng cho tôi, tôi sẽ làm bất cứ việc gì các ông khiến”. Tôi đáp lại: “Được, ông cứ yên tâm”. Sau đó tôi dừng lại còn ông ta đi tiếp, quá chân dốc vài bước thì đứng lại, hai tay chắp phía sau, quay lưng vào tường, mặt hướng ra cổng. Mọi người ập đến quây kín lấy ông ta, vòng trong vòng ngoài. Cánh nhà báo cố chen tận nơi quay quay, chụp chụp. Mấy vị người Á với túi nghề lủng củng đành đứng ngoài, giương khoảng hơn chục chiếc micrô cán dài hàng mét, to bằng nắm tay, xanh xanh đỏ đỏ, dí sát vào mặt ông ta. Ông đứng đó, ánh mắt xa xôi buồn đăm đắm không hé một lời.
Khoảng 10 phút sau, từ phía cổng, một chiếc xe Jep mui trần lao tới giữa sân. Xe chưa kịp dừng thì Chính uỷ Lữ đoàn 203 Bùi Tùng, bật khỏi xe. Dáng ông cao to, hồng hào, đẹp trai, áo quân phục bạc màu cỏ úa, vừa chạy vừa rút khẩu K59 ra khỏi bao “Các cậu, các cậu mau lên bắt Dương Văn Minh.” Mọi người đáp: “Dương Văn Minh đây rồi.” Chính uỷ tiến sát Dương Văn Minh, giáp mặt nhìn chằm chằm một hồi lâu cũng không nói gì, trông ông rất căng thẳng. Tôi sực nghĩ mình phải báo cáo điều mà ông ta nói với Chính uỷ. Tôi chen sát tới sau lưng, lay nhẹ cánh tay, nghến sát tai Chính uỷ nói vừa đủ nghe: “Báo cáo Chính uỷ, ông ta khẳng định chính ông là Đại tướng tân Tổng thống Dương Văn Minh. Ông cầu xin chúng ta bảo toàn tính mạng cho ông, thì ông sẽ làm bất cứ việc gì chúng ta khiến.”
Báo cáo xong, Chính uỷ vẫn đứng y nguyên, không phản ứng gì. Lúc sau, như sực nhận ra điều gì, Chính uỷ vội đưa hai tay sờ soạng túi áo ngực, bên trái, bên phải rồi bật nói: “Đúng rồi, đúng Dương Văn Minh rồi. Các cậu điều ngay hai xe thiết giáp, hộ tống Dương Văn Minh ra đài phát thanh.” Nói xong, Chính uỷ quay nhanh ra xe của mình...Vòng người giãn ra. Dương Văn Minh được mấy đồng chí đứng cạnh giải đi, tắt qua thảm cỏ tới chỗ các xe thiết giáp đang đỗ và rồi hai chiếc thiết giáp K63 đã khởi xe, quay đầu nối đuôi nhau chạy ra cổng. Dương Văn Minh được giải đi trên một trong hai chiếc xe đó. Sau đó có lời tuyên bố đầu hàng của ông ta trên đài phát thanh Sài Gòn .
Sau khi Dương Văn Minh được giải đi, tôi trở về xe cất vũ khí, thành viên lúc này chẳng có ai. Vừa trèo ra khỏi xe thì thấy anh Bùi Quang Thận đi từ hướng đầu xe anh Toàn (tức xe 390) xuống, tắt ngang qua đầu xe tôi, dường như để về xe anh đỗ phía bên kia. Bỗng có tiếng reo hò rộ lên của mấy đồng chí Bộ binh, đang phất cờ Giải phóng trên tầng hai, phía cuối hành lang bên trái, khiến mọi người đều hướng tới. Trong giây lát, không gian chật hẹp bỗng bừng lên, tiếng reo hò như sấm, vang dậy cả đất trời. Những nụ cười đằm thắm, rạng rỡ đến ngây thơ. Tiếng sấm rền chưa lắng thì lại rộ lên tiếng reo hò trên nóc của hai đồng chí khác: người bồng súng, người phất cờ. Đất trời lại bừng lên như ngàn trùng không ngớt. Ở vị trí này, chúng tôi thấy rất rõ lá cờ ba sọc của Ngụy vẫn treo trên đỉnh cột, trong khi hai đồng chí Bộ binh thì cứ mãi hò reo phất cờ ngay gần dưới chân cột. “Sao lại phất cờ ta dưới cờ địch thế kia, phải hạ cờ Ngụy xuống chứ.” Như cùng ý nghĩ, tôi và anh đảo mắt qua các xe nhưng không xe nào cờ còn lành lặn. Tôi sực nhớ vội quay vào xe bê ra một hộp phụ tùng của máy thu phát vô tuyến, trong đó có lá cờ của xe tăng 724 do tôi làm trưởng xe. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, xe bị làm thịt để lấy phụ tùng bổ sung cho các xe khác hành quân chiến đầu thần tốc đường dài. Cờ còn tương đối mới, chỉ sờn rách chút ít ở góc cuối.
Tôi vội luồn đốt ăng ten lấy trong bộ ăng ten cũng là của xe 724 mà tôi mang theo làm cán cờ. Trong khi đó, anh Thận vẫn đứng dưới đầu xe với tay lên “Cậu đưa tớ, cậu đưa tớ.” Thiện tình dù gì anh cũng là cấp trên cho dù khác đại đội nên tôi đã trao cờ cho anh. Anh chạy lên cùng hai đồng chí Bộ binh hạ cờ của Ngụy và treo lá cờ Giải phóng đó lên trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi xuống, anh đã hoan hỉ kể cho tôi rằng: “Khi lên tới nơi, dây treo cờ bằng lụa vàng, to cỡ ngón tay, chắc quá, lại bị khoá chặt đầu dây, không thể hạ cờ xuống được. Cả ba người lại đều không mang theo dao găm. Sau đấy mới nghĩ ra cách dùng hai quả lựu đạn chày, một quả để kê, một quả ghè đứt dây. Tớ bảo ghè thế nó nổ thì chết, các cậu ấy giải thích: chỉ khi nào giật nụ xoè thì mới nổ! Quá trình treo cờ của anh là như vậy.
Lúc này, khuôn viên tràn ngập niềm vui chiến thắng mừng hoà bình trở lại. Đối với những người lính chúng tôi, những người đã chiến đấu đến thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, thì niềm vui đó thật không gì tả xiết. Họ hân hoan cười nói, tay bắt mặt mừng, chuyện vui như tết. Người tranh thủ đến các xe, người sang đơn vị bạn, tất cả đang hội tụ tại đây sau cả mùa chiến dịch để tìm gặp người thân, bạn bè, đồng hương. Họ gạn hỏi xem ai còn ai mất, sẻ chia cho nhau những tiếc thương mất mát, rồi những dự định tương lai, giao ước với nhau rằng nếu sau này ai được về phải đến nhà nhau chơi, thăm hỏi và báo tin còn sống để gia đình yên tâm và hẹn ngày trở về. Sau rồi họ tụ tập bên các xe để nhà báo Tây chụp ảnh. Đám thì ngồi nằm ra cỏ với bi đông nước, chia nhau điếu thuốc, mấy thỏi lương khô lót dạ. Còn có tay cao hứng phốc ngay lên xe Jep chiến lợi phẩm, chạy ngoằn nghoèo đánh võng trong sân, khiến Lữ đoàn trưởng Tài vừa có mặt đang chạy vào Dinh gặp phen hú vía. Thôi thì mỗi người biểu thị niềm vui bằng mỗi cách. Còn tôi, tôi vào xe xách súng lại vào Dinh xem sao.
Qua mấy tầng, vào một số phòng đều không có người, vật dụng đơn giản: vẫn bàn gỗ, tủ gỗ, vài chiếc ghế, mấy đồ dùng văn phòng...Loanh quanh rồi lại tới cửa đại sảnh. Lúc này tôi mới để ý, ngay bạ cửa bên phải ngang tầm mắt, treo quyển thực đơn trưa 30 tháng 4 của Tổng thống, cỡ bằng bàn tay gồm các món:
"Thịt gà xé tẩm sâm, gan sào tẩm sâm, thịt cua bể tẩm sâm, canh cua bể tẩm sâm."
Bước vào đại sảnh, bàn ghế vẫn y nguyên nhưng nội các chẳng còn ai. Khung cửa lớn góc bên trái vẫn đóng kín mà sao lúc ấy tôi không ý thức được đó là văn phòng Tổng thống để vào xem. Mãi sau này nhẩm lại lời chỉ dẫn của cậu bé trong thang máy (“Cửa kế bên trong là văn phòng Tổng thống”), tôi thật tiếc.
Hai dải lụa vàng, mỗi cái dài khoảng 2 mét, cao khoảng sáu, bảy mươi phân, thêu rồng chầu hai bên ghế bành của Tổng thống không còn nữa, ai đó đã lấy đi. Tôi ngồi vào ghế, cảm giác thật êm, rộng rãi thoải mái. Mặt bàn trước mặt phẳng mịn cũng màu cánh gián. Hai khung cờ hiệu cỡ bằng quyển vở học sinh đặt hai bên. Nền cờ xanh sẫm màu nước biển, chữ và sao màu bạc. Cờ bên phải người ngồi là hàng chữ: DANH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM. Cờ bên trái dưới bốn sao bạc xếp thành hàng ngang là dòng chữ: ĐẠI TƯỚNG TÂN TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH. Ngoài ra còn giá bút cũng màu cánh gián đặt trước mặt tầm tay phải với, trên cắm mấy cây bút.
Quay trở xuống, tôi ra lối cửa hậu, men theo con đường nhỏ len giữa mấy bồn hồng. Bông nở đều, xen nhau các màu trông thật đẹp, thật dịu, hương thơm mát sảng khoái. Đảo quanh một vòng khuôn viên rộng mà chẳng gặp ai, đối nghịch với phía trước: Bộ đội và xe tăng vây kín cả trong cả ngoài ồn ã. Vòng sang phía trái, lối nhỏ quanh quanh đã đưa tôi đến với một chú voi, một chú voi thật sự bằng xương bằng thịt hẳn hoi mà tôi chưa từng thấy. Thật là ngộ nghĩnh! Chú bé tẹo, chỉ nặng khoảng 40 đến 50 kg, thân và đầu chỉ dài hơn chiếc can 20 lít một chút. Chú đứng trên bệ xi măng có mái che, hai con mắt long lanh, miệng he hé như cười. Cái vòi dỏng cao lên, đầu vòi bé xíu, mềm mại, đẹp như búp tay trẻ em đang múa, xoáy tròn, xoáy tròn, bên này, lại bên kia, cứ như vậy theo nhịp đung đưa tới lui, tới lui của mình voi. Chân trước bên phải cũng giơ cao, cổ chân uyển chuyển như bàn tay vẫy chào. Bản nhạc đệm cho điệu múa của voi lúc thánh thót, lúc rộn rã thật vui tai. Âm thanh đó là của 12 chiếc chuông màu vàng được chia thành sáu cặp, bé dần từ dưới lên. Cặp to nhất bằng quả cau nhỡ, cặp bé nhất bằng đầu ngón tay trỏ người lớn. Từng cặp được treo đối xứng ở hai góc dưới các tấm thổ cẩm tương ứng, tất cả có sáu tấm: to nhất bằng cuốn vở học sinh, bé nhất bằng bàn tay, bé dần từ dưới lên. Tấm bé chồng lên tấm to, so le cách đều một hàng chuông, đội trước đầu voi.
Sợi dây xích to bằng ngón tay, dài khoảng một mét màu vàng giữ chân sau bên phải của chú với chiếc cọc phía sau. Xem voi diễn thật ấn tượng mà không có gì để thưởng cho voi. Nhìn quanh cũng chẳng có gì ngoại trừ tấm biển xanh chữ trắng cắm thấp bên lề đối diện: “Chính phủ Canađa kính tặng Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu.” Chắc hôm nay chú mày bị đói rồi, thôi tạm biệt nhé!
Đi được một đoạn chừng 30 mét thì tôi thấy rất đông người, xem ra họ đều luống tuổi, mặc thường phục, vẻ như quan chức trong Phủ. Họ đứng thành tám hàng dọc: hàng thì mười người, hàng thì bảy tám người, ngay ngắn giơ tay hàng và có hai bóng áo lính ở giữa. Họ đứng biệt lập ở đây ngay đầu hồi bên trái Dinh mà chẳng có người nào của ta bồng súng canh. Tôi hỏi người đứng đầu một hàng: “Các vị là nhân viên ở đây?”, ông ta “Dạ". Tôi hỏi tiếp: “Đứng đây từ khi nào?”, “Dạ thưa ông, từ hồi sáng để chờ các ông tới”- ông ta đáp. Vậy thì ra cũng như lính Cảnh sát Đô thành, họ đã xếp hàng chờ sẵn khi ta tiến đến là giơ hàng. Lướt qua những khuôn mặt, tới ai họ cũng nhoẻn miệng cười, điệu cười thay lời chào khuất phục...
...Khuôn viên trước Dinh giờ càng nhộn nhịp hơn do bộ đội các đơn vị phía sau vào xem Dinh. Ngoài ra còn có rất nhiều người dân hiếu kỳ, họ tràn vào, lân la quanh các xe, trầm trồ, sờ mó, dò hỏi đủ điều. Nào là “chiến xa nặng bao nhiêu tấn, đại bác cỡ nào, do Nga Xô hay Trung Cộng chế tạo, chế độ cộng sản ngoài Bắc ra sao, vợ chồng có được tự do chung sống không...”, thôi thì đủ điều. Nếu được ai đó giải thích thì họ xúm lại, chăm chú như nghe truyện cổ tích vậy. Sau rồi họ quay sang gạ đổi nào là đồng hồ oren, xenko, nhẫn vàng, kể cả Honda; chỉ cần tờ tiền có hình cụ Hồ để làm kỷ niệm nhưng chúng tôi lấy đâu ra tiền. Hơn nữa, nhiệm vụ và chính sách không cho phép. Đã quá trưa, thành viên đã đủ mặt, anh em hè nhau ăn cơm. Vẫn là các thức ban sáng cố định sau tháp pháo được hạ xuống, mâm cỏ thênh thang, năm sáu thành viên quây quần, nồi quân dụng 20 đầy cơm kết tảng, bụi phủ quanh miệng, Thùng đựng nước canh thì móp méo nhọ nhem. Ống ruốc mặn sau bao ngày đồng hành theo quân đánh giặc giờ chỉ tượng trưng hờ hững đứng rìa. Lon thịt út cưng sau trận chiến cũng chỉ còn phân nửa, được ưu tiên chen giữa đội hình.
Cơm được xới bằng chính bát ăn của mình (ai ăn nấy vục), sau vài lần xới để lại một hố sâu nham nhở chẳng khác gì hố bom Đồng Lộc. Lính tăng là thế, đánh giặc ào ào, ăn cũng ào ào. Điều lấy làm lạ, bộ đội ăn cơm thì có gì đặc biệt, vậy mà dân họ đứng chen chúc xung quanh, thậm chí cúi rạp trên đầu, lặng lẽ nhìn chúng tôi ăn. Họ nhìn chăm chú tới mức ngỡ ngàng như chưa từng được thấy bao giờ. Nếu không phải là lính chắc xấu hổ không còn dám ăn. Lúc này tôi cảm thấy chật chội khó chịu, liền quậy người đứng dậy cho rộng chỗ rổi lại cúi xuống xới cơm, bỗng như có ai đó, không phải là vô tình, mà đang cố ý di day quá mức vào giữa đũng quần mình. Tôi liền bật dậy, sau lưng là một bà già, mình mỏng như ép xác, mắt to hơn người, đứng nem nép, hai bàn tay bẽn lẽn sượng sùng vì chẳng giấu được vào đâu. Không nén nổi bực mình, tôi quát: “Bà làm gì đấy?” Mấy người đứng cạnh vội lảng ra xa. Bà lúng túng trả lời: “Chú chú, tôi xem chú có đuôi không”. Đuôi nào, sao lại có đuôi? Bà tiếp: “Trong này Chính phủ quốc gia họ tuyên truyền như vậy. Họ còn bảo bảy Việt Cộng leo cành đu đủ không gãy.”
- Đúng là một lũ nói láo. Thế bà thấy tôi có đuôi không?
- Không có, không có.
- Còn các anh em tôi đây, bà thấy sao?
- Ủa, trông ai cũng trẻ, cũng đẹp dữ.
- Vậy là chúng nó tuyên truyền láo, bà hiểu chưa?
- Dạ, đúng là tuyên truyền láo.
Sau rồi, bà nhoẻn cái miệng thay đổi bộ dạng: “Chú ơi chú, cho tôi chút đỉnh cơm.”
- Để làm gì? - tôi hỏi.
- Để tui ăn.
- Bà ăn cơm, ăn bằng cách nào?
- Chúm chúm thế này này.
Nhìn mấy ngón tay bà, tôi hơi lấn cấn...
- Thôi được, bà lấy đi.
Bà lách vào, cúi rạp người, nhón chút cơm, chúm chúm rồi chấm vào hộp thịt đưa lên miệng. Hành động của bà khiến đám đông ồ lên kinh ngạc. Những con mắt tròn xoe như thán phục, như chờ đợi điều gì ở cái miệng đang nhai. Bỗng bà thốt lên: “Ủa, sao mà ngon quá trời. Chả chi mà lính quốc gia chẳng thua”. Chỉ vậy mà đám người đang ngây dại bỗng như bừng tỉnh. Họ ùa vào chen chúc, mồm nói tay với “Cho tôi chút xíu, cho tôi chút đỉnh.” Chỉ trong phút chốc, họ vét sạch nồi cơm trước sự ngỡ ngàng của mấy anh em. Chỉ tội cho út cưng, chẳng còn gì mà cứ nghiêng bên nọ, ngả bên kia, chấm mãi đầy cả cơm. Còn có cả bàn tay thọc sâu vào ống ruốc, khoắng vội khoắng vàng mà chẳng được gì, nhưng rồi cũng kịp nhận ra còn có cái gì đó, vội bưng tay lên miệng, rưng rưng nếm náp, từng hạt, từng hạt trắng li ti, mặn mòi, đậu hờ trên đó...Chà... ngon thiệt.
Họ cũng thật là lạ...
Đã quá hai giờ chiều, chúng tôi được lệnh hành quân ra chốt tại cảng Bạch Đằng, đề phòng địch phản công bằng đường thủy.
Nào, máy nổ lên rồi. Các thành viên đã vào vị trí. Xuất kích!
Chào nhé, Dinh Độc Lập của những thời khắc không bao giờ quên.
* * *
Bạn đọc thân mến! Qua bài viết trên hẳn bạn đọc sẽ đặt vấn đề, tại sao một
trận đánh mang tính lịch sử như vậy lại diễn ra không theo bài bản, không ồ ạt xông lên như trong phim ảnh hay lời kể của một số người. Điều đó theo tôi bắt nguồn từ những yếu tố sau:
Về mặt khách quan, trong trận này tiểu đoàn 4, lữ đoàn 203 chúng tôi không được cấp trên chọn làm lực lượng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu là cơ quan đầu não của địch, do đó mọi sự chuẩn bị thiết yếu cho mục tiêu này đều không có.
Về mặt chủ quan, kiến thức và kinh nghiệm cho một trận đánh quyết chiến điểm như vậy đối với lính tăng cũng chưa hề có.
- Do chiến đấu trong đội hình tiểu đoàn nên mọi diễn biến của sự kiện đều tuỳ thuộc vào bản lĩnh chỉ huy của cán bộ tiểu đoàn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức lực lượng vào bắt và giải tổng thống Dương Văn Minh ra khỏi Dinh.
- Còn tâm niệm của chúng tôi lúc đó thì nhiệm vụ chiến đấu nào cũng vậy, miễn là hoàn thành tốt. Không ai nghĩ sau này nhiệm vụ đó lại trở thành những dấu ấn trong lịch sử của dân tộc.

Xin trân thành cám ơn bạn đọc đã giành thời gian cho bài viết của tôi!




Hoàn thành bài viết, tháng 4 năm 2005
Chỉnh sửa và bổ sung, tháng 12 năm 2009.


Chuyện tưởng như nhỏ nhặt
21/04/2010

Chuyện tưởng như nhỏ nhặt. Ở thời điểm đánh chiếm dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn, có hai xe tăng cùng ở trong dinh: đó là xe tăng số 843 và số 390.

Thế nhưng đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc: Báo chí đưa tin xe tăng số 843 húc đổ cổng sắt tiến vào dinh trước tiên mà thực ra không phải như vậy. Chính là xe tăng số 390 vào đầu tiên, còn Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 lao vào cắm cờ trên nóc dinh. Bẵng đi thời gian dài, trong đám cưới con gái của Bùi Quang Thận ở Bảo tàng Chiến thắng B52 không thấy có mặt bốn người lính xe tăng 390...Những người lính xe tăng cũ nay đều giải nghệ nhắc lại câu chuyện xưa, cảm thấy buồn man mác. Một sự tình cờ, vào dịp kỷ niệm chiến thắng ngày 30-4 cách đây mấy năm, nữ nhà báo Pháp đăng tin tìm kiếm danh tính các chiến sĩ xe tăng 390 trong bức ảnh bà chụp xe tăng này húc đổ cổng sắt, tiến vào dinh Độc Lập. Và từ đây sự thật được trả lại nguyên giá trị. Thế rồi tại một cuộc đại lễ, xe tăng 390 và bốn thành viên trong xe được tôn vinh, những lời phát biểu gây xúc động trong tâm can người Việt. Anh Thận ít nói hơn. Anh giải ngũ, về quê, bán xe đạp và nuôi tôm. Nhưng hàng năm, nhân dân cả nước vẫn nhớ về anh là người cầm lá cờ lao lên phía trước trong tòa dinh đồ sộ mà không biết trong đó hỏa lực địch như thế nào? Thỉnh thoảng Nguyễn Khắc Nguyệt (lái xe tăng số 380, thê đội 2) và Nguyên (lái xe tăng 390) có đến lớp học thăm tôi, tôi tự hào giới thiệu với các em học sinh về người bạn, những người lính dũng cảm có mặt trưa ngày 30-4-1975 lịch sử ấy... Nhưng không tiện chạm vào điều "dễ vỡ" nhất! Theo tôi biết, bốn thành viên xe 843 còn "khúc mắc" lắm, bốn thành viên xe 390 dạo này đời sống đã khá hơn... Riêng tôi, tôi vẫn buồn, mặc dù Nguyệt nhắn tin cho tôi: " ngày 5-10-2009 vừa rồi, anh Toàn và anh Thận đã bắt tay nhau...". Trong thành phố Hồ Chí Minh, thủ trưởng Bùi Tùng phải ngồi xe lăn sau một cơn tai biến mạch máu não ... Thời gian cứ trôi nhanh. Nhưng cứ đến ngày 30-4 hàng năm, những người dân Việt yêu nước vẫn nhớ về cái giây phút hào hùng, thiêng liêng ấy, nhớ về anh Toàn, anh Thận...như nhớ người ruột thịt của mình. Chiến sĩ Nguyên nói: "Lúc đó hai xe gần như đến cùng một lúc từ hai hướng khác nhau. Khi xe 390 vượt quá ngã tư một đoạn...lúc đến đối diện với cổng chính, tôi nhìn sang ngang không hiểu tại sao thấy xe 843 cứ rồ máy tiến, lùi có vẻ khó khăn...? Anh Toàn bảo: "Tông thẳng vào!...". Xe 390 bèn húc tung cổng chính lao vào, thấy phía sau, anh Thận nhảy ra khỏi xe 843, cầm cờ chạy vào dinh Độc Lập, xe 843 vào ngay sát phía sau...".

Hỏa (chiến sĩ xe tăng 843 do trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy) nói: "Khi đối diện với dinh Độc Lập, thấy cánh cổng cũng chả biết chính hay phụ, anh Thận ra lệnh bắn, bắn hai phát, đạn không nổ, tôi bèn húc thẳng vào, cánh cổng sập xuống, nòng pháo mắc kẹt phía trên, xe phải lùi lại để gỡ pháo và chỉnh hướng lấy đà...".

Nguyệt (chiến sĩ xe tăng 380 chạy cuối đoàn tăng) nói: " Xe 843 lượn tránh mấy chướng ngại, đang tốc độ cao nên xe hơi lệch sang trái so với cổng chính, chưa kịp lấy lại hướng thật chính xác thì chiếc tăng đã húc vào cổng dinh, băng xích bên phải thúc vào làm một cánh cổng đổ nghiêng xuống, cánh cổng bên kia cũng mở ra, băng xích bên trái đâm vào trụ cổng, chiếc xe khựng lại... Đúng lúc ấy xe 390 đã đến trước cổng dinh. Tập tăng chân dầu lao thẳng vào vào trong dinh. Thận đã tháo được lá cờ, anh nhảy xuống chạy thẳng vào trong dinh, băng qua thảm cỏ, cạnh xe 390 về phía cửa chính, thấp thoáng một vài bóng người cầm máy ảnh phía trước... Lúc này, Hỏa đã khởi động được máy, anh lùi lại một chút và lao vào dinh sau xe 390 vài mét, anh tăng ga cho xe chạy song song với xe 390, bảo vệ Bùi Quang Thận. Cả hai xe lao sát đến tiền sảnh dinh thì dừng lại. Đại đội trưởng Thận cầm lá cờ chạy lên bậc tam cấp và khuất dạng sau cánh cửa. Chính trị viên Toàn ra lệnh: "Phượng lên ôm 12 ly 7, cả xe sẵn sàng bảo vệ cho anh Thận và tôi". Ra lệnh xong, Toàn bật nắp cửa trưởng xe, cắp khẩu AK nhảy xuống chạy theo Thận vào trong dinh...".

Nguyên kể với tôi: "Lúc ấy có một số phóng viên nước ngoài quay phim và chụp ảnh, bọn tôi đã chấp hành lệnh trên, đồng ý cho họ tác nghiệp mà không bắn, tôi nhắc anh Thận ghi vào lá cờ 10 giờ 45 phút là lúc xe 390 húc tung cổng để tránh tranh cãi sau này (sở dĩ tôi khẳng định như vậy là vì tay đang đeo chiếc đồng hồ Pôngiốt của đồng đội tặng lại), chi tiết ấy cũng quý như lá cờ ba sọc khi anh Thận xé tung ra, mép buộc dây bị rách nham nhở rất khớp với vết rách của lá cờ được bảo lưu... Nhìn sang bên, thấy thằng Hỏa cầm AK nhảy ra khỏi xe, hét vang: "Sống rồi, hòa bình rồi!..." Nhìn vào góc dinh, thấy chi đội M113 bảo vệ dinh án binh bất động, bọn lính đã đầu hàng hết cả, chúng tôi cầm AK chạy lên để bảo vệ cửa phòng, nơi thủ trưởng Bùi Tùng đang làm nhiệm vụ... Trong số các phóng viên nước ngoài có một bà người Pháp, tên là Franxoa Đơ-mun-đê, chính bức ảnh của bà đã chứng minh cho xe 390 vào dinh đầu tiên...".

Tháng 9-2009 các CCB Binh chủng Tăng thiết giáp tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Binh chủng Tăng thiết giáp sớm hơn mọi năm. Thành viên xe 390 lên từ hôm trước, nhưng không thấy anh Thận! Tôi thấy buồn và nhìn những gương mặt hốc hác, tóc đã điểm sương của những người lính xe tăng xe thứ ba, thứ tư, thứ mười... những chiếc xe, những người lính mà không bao giờ được nhắc đến, từ ngày đó đến bây giờ họ vẫn lam lũ với bươn chải đời thường. Tôi nhớ đến phát đạn AR15 bắn xuyên qua trán người tiểu đoàn trưởng anh hùng Ngô Văn Nhỡ trước khi cắm cờ hai tiếng đồng hồ trên xe 912. Tôi nhớ đến phát đạn từ pháo M148 bắn trúng lỗ thông gió lấy đi sinh mạng của bạn tôi, pháo thủ Nguyễn Kim Duyệt ở xe 380 cách đó hai ngày. Tôi nhớ đến Chính ủy xe tăng Đào Văn Xuân, một trong số rất ít những "khai quốc công thần" đã đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho xe tăng Việt Nam, nhiều lần vào chiến trường, tính bộc trực thẳng thắn (và những người lính của ông rất ngạc nhiên khi không thấy tên ông trong danh sách các thủ trưởng tiền bối ở phòng truyền thống của binh chủng). Tôi nhớ đến gương mặt trẻ trung tuổi 23 của Ngô Sĩ Nguyên ngồi giữa đống ba lô con cóc, chân dép cao su, ngổn ngang đạn 12 ly 7 và lá ngụy trang trên tháp pháo trước sân dinh Độc Lập trong tiếng xả súng ăn mừng cả hòm 12 ly 7 của lính xe tăng và tiếng AK dậy trời của bộ binh. Là những người lính sống trong Binh chủng Tăng thiết giáp theo đoàn xe tăng trong chiến dịch Đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi đã phác thảo nhiều chân dung chiến sĩ xe tăng và khung cảnh bước tiến của xe tăng ta trên các nẻo đường chiến tranh. 35 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về mùa Xuân lịch sử năm 1975 vẫn còn tươi mới như vừa xảy ra.

Lê Trí Dũng

(Báo Cựu chiến binh)




Trích từ Quân Sử Việt Nam



No comments:

Post a Comment