Phan Rang.
PHÁ VỠ TUYẾN PHÒNG THỦ PHAN RANG - BẮT SỐNG TƯỚNG GIẶC.
Vào một buổi tối ngày 1 tháng 4, khi những người dân Quy Nhơn, Tuy Hòa đang ùa ra đường phố reo mừng đón chào Quân giải phóng thì tại Dinh “Độc lập” ở trung tâm Sài Gòn, sau khi nghe Phú từ Nha Trang báo cáo tình hình, Thiệu tuyệt vọng thở dài nói với Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng: “Mình muốn giữ, nhưng tướng tại trận không giữ nổi, biết làm sao”, Viên nói: “Chiều hôm qua, Uây-oen có gọi điện thoại nói với tôi rằng: bỏ Nha Trang, Cam Ranh thì bằng mọi giá phải giữ lấy Phan Rang. Còn Phan Rang thì máy bay còn đánh được tới Đà Nẵng. Mất Phan Rang thì Cộng sản có thể dùng sân bay này để tiến công Sài Gòn”.
Thiệu và Viên đều nhất trí phải giữ lấy Phan Rang. Cái sống, cái chết bây giờ là ở chỗ đó, chỉ còn một vài tháng nữa, qua tháng 5 đã là mùa mưa rồi... Thiệu còn nói mồ ma gia tiên hắn ở cả ngoài đó... Thiệu nín lặng hồi lâu trước tấm bản đồ quân khu 2 với 11 tỉnh đã bị bôi đỏ, chỉ còn lại hai tỉnh cuối cùng. Đột nhiên, Thiệu đấm mạnh tay xuống bàn, ra lệnh: “Phải giữ bằng được Phan Rang, lập một cái lá chắn ở đấy để chặn đường bộ, đường biển của Cộng sản. Ông gọi tướng Phú về Sài Gòn và sáp nhập phần đất còn lại của quân khu 2 vào với quân khu 3, ông giao nhiệm vụ cho bộ tư lệnh quân khu 3, bảo họ sáng mai phải ra ngoài đó, đích thân trung tướng Toàn phải đi thị sát...”.
Ngày hôm sau, chấp hành lệnh Thiệu, Nguyễn Văn Toàn vội vã bay ra Phan Rang. Dọc đường, khi dừng lại ở Phan Thiết, Toàn gặp đại tá Trần Thanh Tự, tỉnh trưởng Phan Rang đang di tản. Toàn ra lệnh cho Tự phải quay lại nhiệm sở. Đến phi trường Thành Sơn, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 không quân ngụy cũng đề nghị với Toàn cho rút, nhưng Toàn đã chỉ thị cho Sang phải ở lại và cử Sang làm chỉ huy trưởng phi trường...
Toàn lập ngay một sở chỉ huy tiền phương của quân khu ở Phan Rang và cử tên trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm chỉ huy trưởng. Y cho rằng bộ tư lệnh phải có mặt ở tiền tuyến mới trấn an được binh sĩ.
10 giờ sáng ngày 4, Nghi và Toàn bay ra Phan Rang. Ngồi trên trực thăng, thấy Nghi có vẻ đăm chiêu, Toàn bảo: “Trung tướng cứ yên tâm, Cộng sản vừa nuốt một thắng lợi quá lớn, còn phải tiêu hóa đã, chưa thể dốc toàn lực vào đánh quân khu 3 được. Sắp tới là mùa mưa rồi...”
Đến Phan Rang, quan sát địa hình, Toàn nhận định Cộng sản có hai đường đánh vô Phan Rang, một theo đường số 11 từ Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục đánh xuống, nhưng hướng này hiện giờ chỉ có trung đoàn 812, không có xe tăng, pháo lớn. Hai là theo đường số 1 từ Nha Trang đánh vào. Hướng này có sư 10, có thể cả sư 320, sư 3 Sao Vàng nữa, rất mạnh, nhưng cả ba sư đoàn này đã đánh suốt tháng 3 chưa chắc đã tiến quân vào Phan Rang ngay được . . .
Máy bay lướt nhanh qua thị xã Phan Rang rồi ngược lên phía bắc theo đường số 1 nằm kẹp giữa hai dãy núi cao. Toàn thốt lên: “Địa thế này khác gì một cửa ải. Một người địch nổi muôn người”. Ngày hôm đó, Toàn về Biên Hòa còn Nghi ở lại. Càng suy nghĩ, Nghi càng không thống nhất với cách nhận định của Toàn. Cộng sản Bắc Việt không hề dừng lại để “tiêu hóa” thắng lợi mà vẫn ào ạt đánh tới. Nghi cho trực thăng thả nhiều toán biệt kích “Lôi Hổ” ra phía bắc thăm dò và nhận được tin tức rất đáng lo ngại: sư đoàn 10 từ Nha Trang theo đường số 1 đang mở một con đường chéo qua đường số 11. Như vậy có thể sư này sẽ vòng quađường số 11 đánh xuống Phan Rang từ hướng tây-bắc, còn hướng bắc theo đường số 1 sẽ là sư 320 hoặc 304, 325 gì đó. Hắn lại nghe bọn tàn binh quân khu 1, quân khu 2 từ phía bắc chạy về cho biết: có những đoàn quân xa đủ cả xe tăng, thiết giáp, pháo các loại đang chạy suốt ngày đêm về phía nam, nhiều xe giương biểu ngữ: “Quân Tiên phong thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn”, phải chăng đó là sư 308?
Trong khi ấy, trong tay Nghi chỉ có lữ dù 2 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo. Liên đoàn biệt động 31 có đủ ba tiểu đoàn nhưng cộng lại tất cả chưa được 800 lính. Sư đoàn 2 mới khôi phục được hai trung đoàn. Nghi bực bội kêu với Toàn, nhưng Toàn cũng không kiếm đâu ra lực lượng cho hắn.
Ngày 6 tháng 4, Nghi đưa lữ dù 2 và liên đoàn biệt động 31 ra giữ đường số 1, lấy quãng đường hẻm Du Long làm khu vực chốt chặn, cắm một loạt vị trí ở hai dãy núi kẹp hai bên đường. Bốn tiểu đoàn địa phương quân được lệnh giữ thị xã Phan Rang. Trung đoàn 4 giữ đường số 11, trung đoàn 5 bảo vệ phi trường Thành Sơn. Như vậy chúng đã tập trung cho tuyến phòng thủ Phan Rang một lực lượng gần hai sư đoàn bộ binh và xe tăng có một sư đoàn không quân yểm trợ.
*
* *
Những tin tức mà các đội thám báo “Lôi Hổ” của Nghi thu lượm được về sự di chuyển lực lượng của các sư đoàn Quân giải phóng ở phía bắc Ninh Thuận là một sự thật. Chúng đã không lầm khi báo cáo với Nghi rằng, một con đường lớn đang gấp rút mở ở chân triền núi phía tây chạy vòng vèo nối với đường số 11 từ Đà Lạt đổ xuống, và các sư đoàn chủ lực ta đang từ phía bắc gấp rút đổ vào phía nam theo đường số 1.
Ở miền Đông, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng của Quân khu 6, Quân khu 7 đang áp xuống Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, chuẩn bị đánh Xuân Lộc - thị xã cửa ngõ vào Sài Gòn ở phía đông-bắc. Các lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đánh thông đường từ Kiến Tường qua Long An lên Tây Ninh, làm bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía nam.
Quân đoàn 2, sau khi giải phóng Đà Nẵng đang cơ động vào phía nam, nhận thêm sư đoàn Sao Vàng của Quân khu 5, lúc đó đang gấp rút củng cố ở ngoại ô Quy Nhơn, thành lập “Cánh quân Duyên Hải”.
Quân đoàn 1 từ hậu phương lớn cùng với các đơn vị xe tăng, pháo binh, tên lửa, không quân, hải quân cũng đang thần tốc trên đường “nam tiến". Cả nước đang chuyển động, đang chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược vào trung tâm Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ lâu dài và gian khổ.
Nhưng trước khi bước vào trận đánh sau chót đó thì phải đập tan cái lá chắn phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang - tuyến phòng ngự mà đích thân tổng thống Mỹ đã phải cử Uây-oen, cựu tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam, trở lại Sài Gòn trực tiếp kiểm tra và đôn đốc Thiệu thiết lập cho kỳ được. Nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang ấy chủ yếu đã được bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải” trao cho sư đoàn Sao Vàng.
Ngày 4 tháng 4, đảng ủy sư đoàn họp rút kinh nghiệm đợt hoạt động vừa qua và chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Phần cuối hội nghị, đảng ủy tranh thủ thông qua những đề nghị truy tặng huân chương cho các liệt sĩ có thành tích chiến đấu ở đường số 19. Ngày hôm đó, sư đoàn nhận được điện của quân khu cho biết, sắp tới, hậu phương lớn sẽ gửi tiếp cho sư đoàn 1.000 chiến sĩ mới.
Dưới đơn vị, bộ đội được lệnh huấn luyện, bổ sung chiến thuật đánh thành phố và ôn tập những chiến thuật cơ bản. Trong khi đó, các cơ quan hậu cần sư đoàn, trung đoàn chia nhau, người vào Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, người ra Bồng Sơn, An Khê dựa vào địa phương tìm phương tiện và lái xe để sư đoàn cơ động.
Ngày 5 tháng 4, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường lên đường. Ngày 8 tháng 4 sư đoàn bắt đầu hành quân. Chính quyền và nhân dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã huy động được 924 lần chiếc xe giúp sư đoàn cơ động. Xe Gát, xe GMC, xe Đốt, xe Giép và nhiều hơn cả là xe đò, xe bơ lua. Những người lái xe cũng đủ thành phần, cả những người hôm qua còn bó mình trong bộ đồ lính đánh thuê, hôm nay xin góp công chuộc tội.
Trên đường số 1 , hàng trăm xe nối nhau chạy hối hả. Xe chở quân, xe kéo pháo, xe chở đạn, chở gạo, cả xe điện ảnh. Bệnh xá ở trên xe, xưởng quân giới cũng ở trên xe...
Bộ đội vừa hành quân vừa sinh hoạt chính trị. Khẩu hiệu hành động của sư đoàn lúc này là: “Tiếp tục phát triển thắng lợi. Sắn sàng đi bất cứ nơi nào còn giặc để giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Chính vì vậy mà mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng” của Đảng phát ra càng giục giã lòng người. Thời gian và thời cơ lúc này là tất cả. Mới hôm qua họ còn hành quân chạy bộ, hôm nay ngồi trên xe ngây ngất nhìn đất trời Tổ quốc được giải phóng từng ngày. Nơi nào cũng rộn rã tiếng reo, tiếng cười, nơi nào cũng thấy ảnh Bác, bàn thờ Bác. Họ vừa hành quân vừa hát: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân..”.
Ngày 11 tháng 4, toàn sư đoàn vào tới bắc Phan Rang. Dọc hai bên đường là những bãi đạn, bãi lương thực, thực phẩm với những lều bạt dựng sơ sài. Dưới các cánh rừng non bắt đầu xuất hiện những căn hầm, những đường dây điện thoại. Đó là khu vực sở chỉ huy của Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải”.
Theo nhiệm vụ trên giao, trận đánh sắp đến, sư đoàn Sao Vàng được tăng cường trung đoàn 25 bộ binh, có sự phối hợp của các lực lượng vũ trang địa phương, từ ba đến năm ngày, tiến công tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, thu hồi triệt để cơ sở trang bị kỹ thuật, nhất là không quân, sẵn sàng tiếp tục phát triển vào phía nam.
Về phương án, cơ quan tham mưu cấp trên khêu gợi có thể lấy trục đường số 1 làm hướng tiến công chính, chọc thủng cửa ải Du Long tiến vào thị xã: hướng tiến công quan trọng theo đường số 11 đánh chiếm căn cứ không quân Thành Sơn. Qua nghiên cứu thực địa và xét khả năng đơn vị, sư đoàn đề nghị trên hướng chủ yếu sẽ tiến công hai mũi. Mũi đột phá chính đánh vào ấp Bà Râu nằm sau lưng “cửa ải” Du Long. Đánh vào đây, bộ đội phải vòng qua sườn đông Núi Xanh để thọc xuống, có khó khăn về hành quân tiếp cận nhưng sẽ tạo được bất ngờ vì mất Bà Râu thì cụm phòng ngự chủ yếu của địch ở Du Long sẽ nhanh chóng tan vỡ. Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên - Hải” chấp nhận đề nghị này và để tạo điều kiện cho sư đoàn có đủ thời gian cơ động, quyết định lùi giờ nổ súng thêm một ngày, tức là rạng sáng ngày 14 tháng 4.
Để có một phương án tối ưu như vậy, bộ tư lệnh sư đoàn đã phải vất vả bao nhiêu ngày đêm. Hôm rời Bình Định ra đi, trong tay không có một tấm bản đồ. Lúc nhận nhiệm vụ mới xin cấp trên được một mảnh nhỏ dùng cho cả sư đoàn: Điạ hình chưa ai một lần đặt chân đến. Cũng không đủ thời gian để bắt liên lạc với địa phương, mọi người cứ chiếu bản đồ cho trinh sát đi trước bám địch, cán bộ theo sau nghiên cứu lập kế hoạch. Sư đoàn đã vậy, các trung đoàn, tiểu đoàn còn vất vả hơn. Trung đoàn 2, trung đoàn 68 dựa vào bản đồ chọn được hai vi trí chỉ huy và đặt đài quan sát lý tưởng, nhưng khi bò tới nơi thì đó là chốt địch. Thì giờ không còn nữa. Chỉ còn một cách là đánh hất địch ra để đặt đài, đặt sở chỉ huy.
Căn cứ vào địa hình, sự bố trí của địch, sư đoàn sử dụng lực lượng như sau:
- Trung đoàn 2 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, đập vỡ cụm mạnh nhất của địch đang chắn giữ tuyến đầu cầu này, tạo điều kiện nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm thị xã.
- Trung đoàn 141 đảm nhiệm hướng vu hồi, hình thành mũi vây cắt phía đông-nam, chặn toàn bộ hướng rút chạy của chúng về phía biển.
- Trung đoàn 25 tiến công trên hướng quan trọng theo trục đường số 11 đánh chiếm toàn bộ sân bay Thành Sơn.
-Trung đoàn 12 là lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng tung vào bất cứ hướng nào khi cần thiết.
- Trung đoàn pháo binh tổ chức hai cụm pháo 155, 5, 85, H12 và cao xạ 37 chi viện trực tiếp hai hướng bắc và tây-bắc. Ngoài ra dùng hai khẩu 85, một đại đội cao xạ 37 từ đường số 11 đánh vào, khống chế sân bay Thành Sơn triệt cắt đường không của địch.
Chiều ngày 13, sở chỉ huy sư đoàn hành quân vào chiếm lĩnh.
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển cực nam Trung Bộ, cách Sài Gòn khoảng 300 ki-lô-mét theo trục đường số 1về phía bắc. Tỉnh có năm huyện với 32 vạn dân. Phía tây, phía bắc, phía nam và một phần phía đông có nhiều dãy núi cao, rừng rậm ôm lấy một thung lũng rộng lớn kéo dài từ huyện Du Long ở phía bắc, qua thị xã Phan Rang đến huyện An Phước ở phía nam. Phía đông tỉnh là một dải bờ biển với các cửa biển Thanh Hải, mũi Dinh và Khánh Hội. Ninh Thuận gồm nhiều dân tộc khác nhau, phần lớn là người Kinh, người Chăm sống ở đồng bằng, còn đồng bào các dân tộc, chủ yếu là dân tộc Rắc Lay sống ở vùng rừng núi.
Sở chỉ huy sư đoàn đặt trên Núi Xanh. Từ vị trí này có thể quan sát, chỉ huy được cả hai hướng và có thể bao quát được phần lớn thung lũng Ninh Thuận. Giữa cái thung lũng rộng và dài ấy, những thôn ấp nằm rải rác từng cụm mỗi lúc càng ken dày hơn về phía đông. Thị xã Phan Rang nằm sau dãy núi Cà Đú. Phía tây thị xã là thị trấn Thuộc Chàm, sân bay Thành Sơn. Trên các đường băng, những chiếc trực thăng đen đủi vẫn đáp lên đáp xuống. Thỉnh thoảng, một tốp phản lực lại cất cánh. Chúng lao vút lên bầu trời khi đó còn hết sức yên ả.
Trong sở chỉ huy, ngoài các đồng chí trong bộ tư lệnh sư đoàn còn có đồng chí đại diện thường vụ tỉnh ủy Ninh Thuận. Xung quanh sở chỉ huy là những ngôi nhà ọp ẹp nhưng kiên trung của những người dân Bác ái, quê hương người anh hùng Pi Năng Tắc nổi tiếng. Do sự xúc tát liên miên của địch, đồng bào Rác Lay, một số ít phải xuống núi, sống trong những khu dồn chật chội sát đường số 1, còn phần lớn di chuyển lên cao, vào sâu hơn nữa, tuyên bố thà chịu chết đói còn hơn làm tay sai cho giặc. Nhiều cuộc càn quét của quân chủ lực ngụy đã bị bẻ gãy tại khu căn cứ hiểm trở này. Người dân Bác Ái sống nghèo khổ nhưng trong sáng. Họ đói muối triền miên mặc dù trước mặt họ, chỉ cách vài chục ki-lô mét đường chim bay là biển. Các cán bộ địa phương thường kể lại cho các chiến sĩ sư đoàn Sao Vàng nghe một câu chuyện cảm động. Vào thời kỳ địch càn quét rừng Bác Ái dai dẳng nhất, cơ quan tỉnh phải di chuyển đi nơi khác, để quên một kho muối lớn. Hai năm trời, đồng bào đi qua kho muối ấy chỉ đứng nhìn nhưng kiên quyết không lấy một hạt. Trong khi đó hầu hết những người già và trẻ em huyện Bác Ái đều mắc bệnh phù thũng, mọc bướu ở cổ vì thiếu gạo, thiếu muối.
Buổi chiều, sở chỉ huy vừa di chuyển đến một triền dốc, đồng bào đã vội vã ra rẫy, vào rừng hái bắp; chôm chôm, chuối, đu đủ, gùi từng gùi đến biếu bộ đội. Khi đồng chí chủ nhiệm chính trị lấy muối ra tặng, đồng bào chỉ cười mà không chịu nhận. Chính ủy sư đoàn cảm động nói với mọi người rằng, chúng ta giải phóng Ninh Thuận, trước hết là giải phóng những người dân Rác Lay khỏi sự nghèo khổ “mà cho đến hôm nay, cái đói ăn, nhạt muối và cái rét vẫn còn đang bám riết lấy họ”.
5 giờ 30 phút _sáng ngày 14 tháng 4, các trận địa pháo binh sư đoàn đã dìm các vị trí Bà Râu, Du Long, suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất, Thành Sơn, Núi Tháp trong biển lửa. Công lao lớn của kết quả này phải kể đến các chiến sĩ trinh sát pháo binh. Kinh nghiệm chiến dịch đường số 19 cho thấy các đài quan sát phải bám sát lấy bộ binh, mặc dù như vậy rất dễ gặp địch. Trận đánh sáng nay là một trường hợp như thế. Sắp đến giờ nổ súng, các chiến sĩ bảo vệ đài quan sát phát hiện cạnh đài chỉ huy có một đại đội biệt động ngụy. Tình huống thật khẩn cấp. Đài này không những phục vụ cho trận đầu mà còn cho những trận đánh phát triển sau đó.
Phó trung đoàn trưởng Đinh Vân Nam ra lệnh không di chuyển đi đâu nữa, bằng mọi cách phải bảo vệ đài. Một trận đánh diễn ra. Bốn chiến sĩ trinh sát Quang, Liên, Lâm, Xốp do Bùi Thế Quang chỉ huy đã vừa đánh vừa nghi binh, hất đại đội biệt động này xuống chân núi.
Mấy phút sau, pháo binh của ta đã gầm lên từ các ngả theo mệnh lệnh của sư đoàn.
Ở hướng tiến công chính, 6 giờ 30 phút, tiểu đoàn 3 tiến công quận Du Long. Đại đội 3, chỉ sau nửa giờ đã chiếm xong điểm cao 105, làm chủ quận ly. Đại đội 1 tiến công ấp Suối Đá, một vị trí phòng ngự mạnh của địch ở phía nam Du Long, nhưng đội hình bị chững lại trước sự chống trả quyết liệt của địch. Lệnh trung đoàn truyền xuống: Tiểu đoàn 3 vây chặt Suối Đá, chờ tiểu đoàn 2 đánh chiếm ấp Bà Râu rồi sẽ dứt điểm sau. Đây là một quyết định chính xác. Bời chiếm được Bà Râu sẽ gây uy hiếp lớn sau lưng Suối Đá. Bọn địch bị ép từ cả hai phía sẽ không thế nào chịu nổi.
7 giờ, sau khi hỏa lực pháo binh cấp tập lần cuối cùng, trung đoàn 2 hình thành hai hướng tràn vào ấp Bà Râu, một ấp chiến lược lớn nằm sát bên đường số 1. Bị tiến công dồn dập, bọn giặc còn lại chạy phá về ấp Kiền Kiến. Nhưng chúng vừa ra khỏi ấp đã bị đại đội công binh chặn đánh, giết chết hàng chục tên, bắt sống 18 tên.
Mất ấp Bà Râu, cụm phòng ngự của địch ở Du Long bắt đầu vỡ ra từng mảng. Cụm quân ở điểm cao 300, Suối Vàng sợ hãi rút chạy về phía đông-nam. Nắm thời cơ, trung đoàn 2 ra lệnh cho tiểu đoàn 3 tiến công ấp Suối Đá Bọn địch trên điểm cao 86 ở gần đó bị cối khống chế, hốt hoảng cùng với bọn tàn binh ở ấp Suối Đá tháo chạy về ấp Kiền Kiền.
Từ sở chỉ huy, sư đoàn trưởng điện cho trung đoàn 2 phải đánh chiếm ngay Kiền Kiền trước khi trời tối để mở rộng đầu cầu đưa pháo cơ giới vào chuẩn bị giải phóng thị xã. Khi đó địch đã dùng máy bay ném bom đánh sập cầu Kiền Kiền và chở thêm quân ra tăng cường cho tuyến phòng thủ ở Kiền Kiền-Ba Tháp.
Ngày 14 kết thúc với hàng loạt trận địa phòng ngự của địch ở phía bắc bị phá vỡ. Ở hướng tây, trung đoàn 25 cũng đánh bại những cuộc nống lấn của địch, áp sát hàng rào sân bay Thành Sơn. Suốt đêm 14, sư đoàn tiếp tục điều chỉnh lực lượng, tung phái viên xuống các đơn vị. Các tiểu đoàn pháo và cao xạ cũng hối hả đưa trận địa vào gần sân bay.
Ngày 15, trung đoàn 2 tiếp tục tổ chức nhiều đợt tiến công đánh bật bọn địch khỏi tuyến ngăn chặn Kiền Kiền -Ba Tháp. Trung đoàn 141 vượt qua đường số 1 tiến về phía đông. Trung đoàn 12 được lệnh đưa tiểu đoàn 6 phối hợp với trung đoàn 25 chuẩn bị đánh vào sân bay Thành Sơn. Trưa hôm đó, khi được thông báo của sở chỉ huy “Cánh quân Duyên Hải” sẽ có lực lượng của trung đoàn 101, sư đoàn 325 Quân đoàn 2 cùng xe tăng vào phối hợp chiến dấu, không khí chuẩn bị của sư đoàn Sao Vàng càng khẩn trương và gấp rút hơn. Sư đoàn đang dốc toàn bộ sức lực cho ngày 16, ngày tiến công dứt điểm Phan Rang.
Trước sức tiến công của quân ta, tại sân bay Thành Sơn, Nguyễn Vĩnh Nghi đang sống những giờ phút hết sức căng thẳng. Ngày 8 tháng 4, dinh “Độc lập” vừa bị ném bom thì ngày 9, thị xã Xuân Lộc đã rung chuyển trong “hoả lực trọng pháo của Cộng sản”. Một đoạn đường dài hơn chục ki-lô-mét từ Long Khánh đến Bình Tuy bị cắt đứt. Lữ 3 thiết giáp và trung đoàn 8 tới giải vây đang bị bao vây trở lại. Xuân Lộc trở thành nơi nướng quân của Toàn. Rồi phòng tuyến của Nghi cũng bắt đầu rung chuyển. Sáng ngày 14, các cứ điểm của liên đoàn biệt động 31 ở Du Long bị tiến công. Quân biệt động hốt hoảng bỏ chạy ở một số điểm then chốt. Nghi kêu quân dù lên chiếm lại nhưng quân dù cũng đang mắc kẹt ở Bà Râu, Suối Đá. Nghi cho máy bay trinh sát bay dọc đường số 1 lên tận Tuy Hòa, y ra lệnh cho không quân ném bom phá sập tất cả các cây cầu trên đường số 1 ở phía bắc Du Long.
Nghi sợ xe tăng ta. Nếu xe tăng vượt khỏi Du Long thì Phan Rang không thể nào giữ nổi.
Ngày 15, các trận đánh vẫn diễn ra gay gắt ở phía bắc và phía đường số 11. Buổi trưa, Trần Văn Đôn, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng ngụy cùng với Nguyễn Văn Toàn bay ra thăm cái “lá chắn Phan Rang”. Nghi báo cáo là tình hình đang hết sức nguy ngập. Cửa ải Du Long đã nứt toác ra rồi. Quân biệt động không thể tin được. Yêu cầu tăng viện ngay cho một tiểu đoàn dù. Du Long có giữ được thì Phan Rang mới còn.
Toàn không trả lời Nghi mà nói về tình hình Xuân Lộc: Thị xã Xuân Lộc vẫn còn nhưng đang bị bao vây. Mất Xuân Lộc thì Sài Gòn coi như bị bỏ ngỏ. Quân dù bây giờ không thể lấy ra được. Lực lượng tổng dự bị chiến lược không còn nữa. Ta phải ráng giữ cho tới mùa mưa... Mỹ đang lập một, cầu hàng không quân vận khẩn cấp. Mùa mưa sẽ cứu chúng ta.
Toàn và Đôn về, Nghi càng lo lắng hơn. Buổi tối, Nghi họp với chuẩn tướng Sang, chỉ huy sư đoàn không quân, chuẩn tướng Nhật, chỉ huy sư 2, đại tá Lưỡng chỉ huy lữ dù và đại tá Biết chỉ huy liên đoàn biệt động bàn kế hoạch khôi phục hướng Du Long. Nghi dự tính, đối phương có đánh lớn thì ít ra cũng phải một tuần nữa vì lúc này xe tăng. pháo lớn còn đang ở Phú Yên.
Nghi hoạch định một kế hoạch tiến công quy mô vào sáng ngày 16 để chiếm lại Du Long nhưng đã quá muộn. 3 giờ sáng ngày 16, chuẩn tướng Sang hốt hoảng báo cáo với Nghi: “Họ vô tới nơi rồi. Phi công trinh sát nói có khoảng 200 xe trên đường số 1 ở phía bắc. 5 giờ sáng, lính biệt động lại báo cáo có tiếng xe tăng đã vào tới Du Long. Nghi giật mình gọi điện cho Sang, giận dữ hỏi:
- Mới chiều qua anh nói cầu đã bị đánh sập hết. Vậy xe tăng của họ vô bằng cách nào
- Dạ, có thể họ đi quành xuống suối. Nhưng không có lẽ..
Nghi ra lệnh xuất kích một loạt tất cả số máy bay ném bom để đánh chặn xe tăng ta. Nửa giờ sau, đạn pháo ta đã trút xuống sân bay, mỗi lúc một dày đặc.
*
* *
“Mắt mèo, mặt mèo”. Đó là mật hiệu báo cáo của bọn biệt động quân ở núi Cà Đủ về sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy vào 5 giờ sáng ngày 16 tháng 4 khi chúng phát hiện được xe tăng của ta đang từ Du Long vào Ba-tháp.
Hôm ấy, do trời nhiều mù nên các chiến sĩ lái đã bật đèn cho xe chạy. Sau khi bắt được liên lạc với sư đoàn Sao Vàng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng 4 ra lệnh cho đơn vị tiếp tục xuất kích. Xe chạy như một cơn lốc trên đường số 1. Đó cũng là lúc những chiếc A.37 gầm rú thay nhau trút bom xuống đoàn xe. Vừa cho xe chạy, tiểu đoàn vừa ra lệnh cho trọng liên gắn trên xe nổ súng cùng với những khẩu pháo phòng không 37 của sư đoàn Sao Vàng. Hai chiếc A.37 bốc cháy như hai bó đuốc lớn. Nhưng hai chiếc T.54 của ta cũng bị trúng bom lật nghiêng bên vệ đường. Những chiếc xe còn lại gầm lên tiếp tục thọc thẳng theo đường số 1 vào thị xã.
Ở sở chỉ huy sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn trưởng ra lệnh cho toàn sư đoàn bắt đầu tiến công. Trong tiếng nổ ầm ầm của các loại đạn pháo và bom, các chiến sĩ trung đoàn 2 vẫn nhận ra tiếng gầm của những chiếc T.54 xung kích. Trung đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ ra lệnh cho tiểu đoàn 2 nhanh chóng tiến công Phước Nhơn, Mỹ Nhơn tiến sát vào sân bay. Tiểu đoàn 3 lợi dụng kết quả đột phá của xe tăng, vận động đánh chiếm ngã ba Cà Đú. Thừa thắng, các chiến sĩ bộ binh nhảy lên xe tăng, cùng đơn vị bạn đánh thẳng vào trung tâm thị xã. 9 giờ 30 phút, đại đội trưởng Sử báo cáo quân ta đã chiếm dinh tỉnh trưởng. Trung đoàn ra lệnh đánh tiếp vào phía nam, chiếm ấp An Quý dựng lên một chốt chặn ở khu vực đó.
Việc xe tăng và bộ binh của ta đột ngột xuất hiện trong thị xã làm bọn giặc kinh ngạc. Ở một căn phòng lớn trong dinh tỉnh trưởng, một bàn tiệc thịnh soạn với những món ăn sang trọng bày la liệt còn đang bốc hơi. Tại đây, các chiến sĩ bắt được một tên trung tá. Hắn khai: “Sáng nay tôi lên sân bay để đi Sài Gòn. Nhưng chưa đến nơi đã bị pháo cách mạng bắn vào phi trằơng. Tôi quay về Phan Rang thì xe tăng đã chiếm ngã ba chợ. Tôi chạy vào đây nhưng đại tá tỉnh trưởng cũng đã biến đâu mất” - Chỉ vào bàn tiệc hắn cười mỉa, nói tiếp: Chúng tôi không ngờ cách mạng lại đến nhanh như_vậy, tỉnh trưởng định làm bữa tiệc mời các cộng sự. Bữa tiệc cuối cùng của ông ta tại Phan Rang. Nhưng cả chủ và khách đều không kịp ăn thì xe tăng cách mạng đã ập đến...”. Trên hướng trung đoàn 25, ngay sau khi pháo binh của sư đoàn và trung đoàn đang bắn, các chiến sĩ đã dùng mìn liên kết phá lớp rào. Hỏa lực vừa dứt, bộ đội đã tràn vào đường bay chính, chiếm ngay sở chỉ huy sân bay và phát triển sang khu huấn luyện giặc lái.
Khi nghe tin xe tăng của ta vào tới dinh tỉnh trưởng Phan Rang. Nguyễn Vĩnh Nghi gọi điện về quân đoàn 3 báo cáo: “Họ tiến nhanh quá, ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã thực sự bị bao vây trong phi trường Thành Sơn. Yêu cầu máy bay thả gấp cho một tiểu đoàn dù”.(Đến lúc ấy Nghi vẫn chỉ xin có lính dù. Không hiểu sao Nghi lại mê lính dù đến thế!).
Đầu máy đằng kia, Toàn vừa nói được một câu: “Tôi cũng đang bị kẹt”. Nghi đã quẳng ống nghe xuống, văng tục. Ngay sau đó, những luồng đạn súng máy đã nổ chát chúa trên nóc những ngôi nhà vòm. Có tiếng thét: “Bọn sư đoàn 2 làm phản! Súng của đại đội trinh sát bắn vô đấy”. Lát sau lại có điện của chuẩn tướng Nhật: “Bộ binh Cộng sản đã chiến được quả đồi của đại đội trinh sát. Họ cũng chiếm kho bom trên phi trường rồi. Đề nghị trung tướng...”.
Sang nôn nóng giục Nghi: “Tôi đã chuẩn bị sẵn một máy bay do trung úy Bút lái, rất tin cẩn. Xin mời trung tướng đi trực thăng lên trời chỉ huy. Tánh mạng của trung tướng...”. Nghi trả lời: “Cám ơn, nhưng chưa nên vội”. Và y vẫn bám chặt lấy ống nghe máy điện thoại. Nửa giờ sau, tư lệnh sư 2 ngụy báo cáo: “Sư 2 không còn sức phản công, họ đã vào chiếm các đồi ở phía bắc. .". Cùng lúc, đại tá Biết, chỉ huy biệt động quân giữ cổng số 2 cũng báo cáo: “Quân biệt động đã tan rã hết. Cổng số 2 đang bị tràn ngập!”.
Nghi ra lệnh: “Tất cả rút chạy”. Y quăng máy. Lúc đó là 9 giờ 30 phút, Nghi, Sang, Lưỡng định chạy ra máy bay lên thẳng nhưng không được. Đạn đại liên từ các quả đồi phía bắc sân bay bắn xuống xối xả, không thể ra đường băng được nữa. Nghi hấp tấp hỏi:
- Đại tá Lưỡng, ông còn bao nhiêu quân ?
- Thưa trung tướng, còn hai đại đội. Rút theo cổng số 1, qua đường số 11. Từ đó tìm cách xuống Cà Ná về Phan Thiết!
Lưỡng chỉ huy lính dù chạy men theo đường phía nam sân bay ra cửa số 1. Tiếp đó là bọn sĩ quan của sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3, sư đoàn 6 không quân... Nghi và Sang đi xe jép đuổi theo sau. Nhưng cổng số 1 đã bị xe tăng đối phương ngăn chặn. Nghi ra lệnh quay lại. .
Từ các hướng, bộ đội ta tràn vào sân bay. Từng tốp lính dù, lính biệt động, lính cộng hòa run rẩy ra hàng. Sân bay bề bộn xác xe, xác lính. Những chiếc A.37 vẫn còn đeo bom. Một kho đạn ở phía đông sân bay vẫn đang nổ. Ở cổng chính, xe cộ nối đuôi nhau, nằm chen chúc, tắc nghẽn. Nhưng lúc các chiến sĩ tiểu đoàn 6 và trung đoàn 25 thọc vào sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy thì cả Nghi, Sang, Lưỡng không còn ở đó nữa.
Trung đoàn 141 sau khi vượt đường số 1 tiến về hướng đông liên tục phải chiến đấu với bọn tàn quân địch, vì đó là con đường rút chạy của chúng về phía biển. Để bảo đảm tốc độ tiến quân, trung đoàn trưởng Đặng Đình Tương quyết định dùng tiểu đoàn 8 làm nhiệm vụ truy bắt tàn binh, còn tất cả tiến nhanh thọc thẳng xuống núi Quýt, Ninh Hải Chữ. Trung đoàn càng phát triển, mục tiêu địch xuất hiện càng nhiều. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 Giang Đức Chấn, trong tình thế đó quyết định đánh lướt để nhanh chóng đến mũi Dinh. Tiểu đoàn 7 đánh chiếm núi Quýt xong đưa DKZ và 12.8 lên khống chế cửa biển, đã bắn chìm, bắn cháy hai tàu chiến địch.
Cũng như núi Quýt, mũi Dinh là một mỏm núi nhô ra biển lởm chởm đá tai mèo. Bọn địch cố thủ ở mỏm núi này lợi dụng hang đá chống cự suốt hai tiếng đồng hồ nhưng đến 9 giờ 30 phút chúng đã phải bỏ chạy. Từ 10 giờ đến 11 giờ, tiểu đoàn tiến công tiếp vào Ninh Hải Chữ, làm chủ toàn bộ khu vực Dư Khánh, Thanh Hải.
Lúc đó cũng là lúc tàn binh địch ở Phan Rang đang xô nhau chạy về cửa biển Thanh Hải. Tiểu đoàn xe tăng 4, sau khi chiếm Phan Rang, tổ chức một mũi truy kích xuống cửa biển. Hai chiếc trực thăng đậu trên một bãi cát vội vã cất cánh. Những chiếc tàu đang cập vào bến đón bọn lính rút chạy cũng hốt hoảng nhổ neo. Phân đội trưởng Bảng vừa cho xe tiến gấp về phía cửa biển vừa ra lệnh cho các xạ thủ bắn máy bay và tàu chiến. Một chiếc trực thăng bốc cháy tại chỗ. Ba chiếc tàu chở quân bị bắn chìm. Bọn địch còn lại trên bãi biển hầu hết bị các chiến sĩ ta bắt sống.
Không còn đường biển để rút chạy, bọn địch ở các khu vực xách súng ra hàng hoặc vất súng, cải trang chạy trốn. Nhưng lác đác vẫn còn những cụm quân địch ngoan cố chống cự. Ở bãi cát Khánh Nhơn, khi được nhân dân báo còn 300 tên lính dù do một tên thiếu tá chỉ huy đang lén lút liên lạc với tàu biển, trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 8 tiến hành bao vây, với ý định kêu gọi đầu hàng là chủ yếu. Nhưng đáp lại lòng bao dung ấy, bọn địch đã điên cuồng chống trả. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tân ra lệnh tiến công. Giữa một bãi cát với công sự sơ sài làm sao bọn giặc có thể chịu đựng nổi hàng trăm quả đạn cùng giội xuống một lúc. Chúng chết rất nhiều, và đến lúc ấy, những tên sống sót mới lóp ngóp đứng dậy giơ tay xin hàng.
Suốt ngày, sở chỉ huy sư đoàn theo dõi sát diễn biến chiến đấu trên toàn tỉnh.. Các đơn vị liên tiếp báo cáo đã bắt được nhiều tên sĩ quan cấp tá và cấp úy, nhưng chưa thấy đơn vị nào báo cáo bắt được bọn chỉ huy quân đoàn 3 và những tên chỉ huy cao cấp khác. Bọn này không thể rút bằng đường không vì ngay từ đầu sân bay đã bị pháo binh ta khống chế. Còn đường biển thì bị mũi vu hồi của trung đoàn 141 và phân đội xe tăng chặn lại. Đám tàu chiến mon men vào bờ đều bị đánh hất ra ngoài. Bọn chúng cũng không thể kịp rút chạy về phía nam vì đại đội 3 tiểu đoàn 3 có mặt ở khu vực An Quý. Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định bọn chỉ huy quân đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn địch vẫn còn trốn chạy đâu đó trong địa phận tỉnh Ninh Thuận. Nắm chắc điều đó, sư đoàn trưởng ra lệnh cho các đơn vị tảo trừ kỹ và cho trung đoàn 2 truy lùng ở Bưu Sơn, An Phước.
Trưa hôm đó địch ném bom Thuộc Chàm, một thị trấn lớn nằm ở khoảng giữa sân bay Thành Sơn và Phan Rang. Sư đoàn đặt một dấu hỏi tại sao chúng lại ném bom xuống khu dân cư đông đúc đó?.
Buổi chiều, một tốp trực thăng xuất hiện. Chúng bay rất cao dọc theo bờ biển rồi mất hút. Liệu có phải chúng đang dò tìm tung tích bọn chỉ huy cao cấp hay không?
17 giờ, tiểu đoàn 1 trung đoàn 2 hành quân đến thôn Mỹ Đức cách khu vực địch ném bom mười ki-lô-mét. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Xích từ sở chỉ huy trung đoàn chạy về ra lệnh cho đại đội 3 ra chiếm lĩnh ngay. Mọi người chỉ được phổ biến tóm tắt: Buổi chiều, có hai em bé chăn bò bị bắt giữ ở vườn mía. Dân đi tìm và báo cho biết có một toán địch rất đông từ Thành Sơn chạy về cụm lại ở đó. Có thể đây là bọn chỉ huy mà sư đoàn đang truy tìm. Vì vậy, đại đội 3 phải bao vây thật chặt, không cho chúng chạy thoát.
Trời tối, địa hình rộng, tổ chiến đấu của phó trung đội trưởng Loan có tiểu đội trưởng Mưu và xạ thủ B.40 Quân được giao nhiệm vụ “nhét nút" ở phía sau.
19 giờ, từ hướng đông-bắc, tiếng chính trị viên Long vang lên dõng dạc kêu gọi địch đầu hàng. Im lặng, Long lại gọi tiếp. Vẫn im lặng. Chỉ có tiếng lá mía khua xào xạc và những tiếng động khe khẽ. Không chờ đợi được nữa, đại đội trưởng Thắng ra lệnh nổ súng. Nghe tiếng súng đại liên nổ giòn, khẩu cao xạ 37 bố trí ở một quả đồi gần đó cũng chúc nòng, xả một loạt đạn dài, trong bóng đêm mờ nhạt, những viên đạn 37 đỏ lừ bám đuôi nhau chụp xuống khu vườn mía. Đội hình địch vỡ ra từng mảng, chúng kêu thét, xin ta dừng bắn để ra hàng. Các chiến sĩ dùng đèn pin làm tín hiệu chỉ hướng an toàn cho bọn giặc. Hàng trăm tên nối nhau bước đi run rẩy. Nhiều thằng sụt sịt khóc. Súng, lựu đạn chúng bỏ lại từng đống trong vườn mía.
Khi những loạt đạn 37 nổ chát chúa ở khu vườn mía, bọn giặc ở hướng tổ của Loan định lợi dụng con mương cạn để thoát ra ngoài. Nghe tiếng chúng bước lép nhép trên bùn, Loan biết bọn này khá đông. Quay lại báo đơn vị thì không kịp mà với ba người thì bắt không xuể. Loan nghĩ phải dùng mẹo. Anh bàn với Mưu và Quân rồi bất ngờ hô lớn:
- Hàng sống, chống chết. Các anh bị bao vây rồi! Tiếng động dưới lòng máng im bặt.
- Các trung đội B.40, B.41 chuẩn bị. - Loan hô tiếp, giọng gay gắt.
- Đừng bắn, để bọn tui lên ! Tụi tui xin hàng. Từ dưới lòng mương, bọn giặc bám nhau leo lên bờ. Mưu đếm một, hai, ba, mười, mười lăm, ba mươi, bảy mươi tên đứng chen chúc trên bờ mương. Trong khi đó tổ chỉ có ba người. Loan bỗng chú ý đến một tên cao trội hẳn lên. Anh nhìn kỹ đoán là một tên Mỹ, Loan quát:
- ở dưới mương còn không?
- Dạ hết. Tên Mỹ đáp tiếng Việt gọn lỏn. Loan chưng hửng. Anh tiếp tục nghi binh, ra lệnh cho Quân và Mưu dẫn bọn địch về, còn mình và “các trung đội ở lại tiếp tục tảo trừ.”
Lát sau, không gian trở lại yên lặng. Có tiếng xe chạy trên đường nhựa. Loan nằm đợi Mưu và Quân, lòng dạ bồn chồn. Anh biết dưới mương chưa hết địch. Nhưng vì chỉ còn lại một mình nên chưa biết hành động ra sao. Giữa lúc Loan còn đang tính toán thì dưới lòng mương lại có tiếng động. Không do dự, Loan rút chốt lựu đạn thả xuống. Bọn giặc hốt hoảng xin hàng. Chúng lóp ngóp bước tên. Tám tên cả thảy. Loan hỏi một tên thấp lùn bước lên sau cùng:
- Mày lính gì, dù hay biệt động?
- Dạ, tôi là cấp chỉ huy ở đây? - Nó đáp.
- Cấp gì, đại úy hay đại tá ?
- Dạ tôi Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng.
Loan giật mình hỏi một tên cao lớn hơn.
- Dạ tôi chuẩn tướng, chỉ huy sư đoàn 6 không quân.
Tên thứ ba là đại tá, còn lại hầu hết là trung tá. Chỉ có một tên lính. Mưu và Quân lúc đó cũng kịp dẫn các chiến sĩ trong đại đội quay lại. Mưu báo cho Loan biết cái tên cao to, mũi khoằm ấy đúng là một tên cố vấn Mỹ.
Tin tiểu đoàn 1 bắt sống được tướng giặc và cố vấn Mỹ chẳng mấy chốc đã truyền đi khắp sư đoàn. Chiều hôm sau (17-4), tiểu đoàn 3 lại bắt được tên đại tá Lưỡng, lữ trưởng lữ dù 2 ở An Quý. Nhiều tên trung tá, thiếu tá trốn trámh trong dân lần lượt ra trình diện, nâng tổng số lính bị bắt lên 1675 tên, trong tổng số 2.584 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu. Sư đoàn còn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 40 máy bay và 37 khẩu pháo từ 105 đến 155.
Ngày 18 tháng 4, sư đoàn nhận được bức điện của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã lập chiến công lớn, bắt sống tại trận các tên tướng chỉ huy của địch”.
Khi được hỏi cung, tên đại tá cố vấn Mỹ đã khai rằng y được cử đến phòng tuyến Ninh Thuận từ tháng 4. Mỗi ngày, y phải báo cáo về Sài Gòn một lần về tình hình quân khu 3. Y đã từng ở miền Nam, nhiều năm nên rất thông thạo tiếng Việt. Y nói: “Nếu tính tuổi mụ như người Việt thì năm nay tôi 37 tuổi”
Hỏi về những khả năng của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn, y mặc cả: “Nếu các ông bảo đảm sẽ trả tôi về Mỹ, tôi sẽ nói những điều tin chắc các ông đang cần biết”. Và khi được chấp nhận, hắn nói tiếp: “Mặc dù Mỹ lập cầu hàng không quân vận khẩn cấp Nhật Bản -Băng Cốc - Sài Gòn với nửa tỷ đô la viện trợ, nhưng thực chất Mỹ đã thả nổi cuộc chiến tranh ở miền Nam. Dù các ông có đánh tới Sài Gòn, Mỹ cũng không hy vọng gì có thể cứu được chính quyền Thiệu. Nhưng dù sao nên đánh Sài Gòn sớm thì vẫn tốt hơn”.
Chiến thắng Ninh Thuận đã mở toang cánh cửa vào Sài Gòn từ phía bắc. Địch ở Phan Thiết, Hàm Tân đang chuẩn bị rút chạy. Các đơn vị xe tăng, pháo binh, bộ binh ta đang ào ạt vượt qua Phan Rang tập kết ở phía nam Cà Ná, chuẩn bị giải phóng Phan Thiết.
Sư đoàn Sao Vàng được dừng lại mấy ngày để rút kinh nghiệm củng cố và giúp nhân dân Ninh Thuận xây dựng chính quyền mới. Ngày 18 tháng 4, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải” tổ chức một buổi gặp mặt với các chiến sĩ bắt sống tướng giặc. Đồng chí nói trong niềm vui chung, đồng chí có niềm vui riêng. Đó là lần thứ hai đơn vị đồng chí chỉ huy bắt sống được tướng giặc. Lần trước ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Cũng ngày hôm đó, khi đánh giá chiến thắng Phan Rang, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã nói về sư đoàn SaoVàng như sau: “Đợt tác chiến vừa qua, sư đoàn 3 được đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu, đã chiến đấu trong một điều kiện hết sức khó khăn: Quân số ít, hỏa lực ít, phương tiện cơ động hạn chế, thời gian gấp. Nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là một cố gắng, một trưởng thành lớn.
Từ sau ngày 4 tháng 4, ta chưa có trận đánh nào vang dội. Chiến thắng của sư đoàn là một trận thắng lớn trong bước hai của chiến dịch. Trong trận này, sư đoàn đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu được nhiều phương tiện chiến tranh, thương vong ít. Đặc biệt đã bắt sống được hai tướng giặc và một cố vấn Mỹ”.
Đồng chí còn nói thêm: “Ninh Thuận là một vùng địa bàn trọng yếu nối liền chiến trường Khu 5 với miền Đông Nam Bộ. Chiến thắng của sư đoàn đã tạo ra một hướng tiến công chiến lược rất quan trọng để giải phóng Sài Gòn và những vùng đất đai còn lại của Tổ quốc”.
Riêng với sư đoàn Sao Vàng, chiến thắng Ninh Thuận là một thành công trong tổ chức chỉ huy đánh hợp đồng binh chủng. Việc lập phương án chặt chẽ với mũi chính diện, thọc sâu của trung đoàn 2, mũi đánh ngang sườn của trung đoàn 25, 12 và mũi vu hồi của trung đoàn 141 ở hướng đông đã khiến cho bọn địch bị bao vây ở cả bốn phía, không còn đường để rút chạy. Dĩ nhiên, mũi thọc sâu bằng xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 là mũi tiến công hết sức hiểm hóc, mạnh mẽ và bất ngờ lớn đối với địch, khiến chúng nhanh chóng tan rã, nhưng nó chỉ thực hiện thuận lợi khi tất cả những trận địa phòng ngự theo hệ thống chân rết của địch ở cửa ải Du Long và dọc hai bên đường số 1 đã bị trung đoàn 2 đập vỡ.
Một nhân tố khác không kém phần quan trọng quyết định sự thất thủ toàn bộ phòng tuyến Phan Rang của địch là thời điểm và tốc độ tiến công quá nhanh và táo bạo của ta. Không như ở đường số 19, địch phán đoán sai lầm về hướng và quy mô tiến công, ở trận này, chúng biết rõ ta sẽ tiến công ở hướng nào, quy mô nào và đã bố trí lực lượng khá chính xác. Nhưng cái mà bộ chỉ huy địch, từ Thiệu, Viên, Toàn, Nghi và bọn cố vấn Mỹ không lường được là thời điểm và tốc độ tiến công, là sự táo bạo luồn sâu, chia cắt, bao vây các đường rút chạy của chúng. Đến nỗi khi cửa ải Du Long bị vỡ. Nghi vẫn còn xin thêm lính dù để cản lại. Nghi cho rằng đối phương chiếm được Phan Rang cũng phải mất một vài tuần. Nào ngờ, ngay ngày hôm đó, bộ binh, nhất là xe tăng ta đã thọc vào Phan Rang, Thành Sơn, đồng thời vít chặt cửa biển và đường số 1 đi Phan Thiết. Khi thời cơ đến, thời gian và tốc độ tiến công trở thành sức mạnh chính là như thế.
Cũng như chiến đấu ở đường số 19, trong trận này, sư đoàn đã sử dụng triệt để sức mạnh của hỏa lực pháo binh 105, 155, 85, hỏa lực đi cùng và pháo phòng không 37. Những trận địa pháo vừa cơ động vừa bắn. Hầu như pháo binh đã bám sát gót bộ binh, có khi vào sâu cùng với bộ binh như các khẩu 85 vào khống chế sân bay Thành Sơn.
Sức mạnh của các mũi đột phá mạnh lên rất nhiều khi hỏa lực pháo binh chi viện chính xác, vào những thời điểm trọng yếu nhất của trận đánh.
Ngày 23 tháng 4 khi các sư đoàn bạn đã vượt qua Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân theo đội hình cuốn chiếu, khi lực lượng chủ yếu của quân đoàn 3 ngụy đã bị tiêu diệt ở thị xã Xuân Lộc đổ nát, thì sư đoàn Sao Vàng cũng được lệnh tạm biệt những tòa tháp cổ, tạm biệt những thôn ấp của đồng bào Chăm, đồng bào Kinh đang náo nhiệt trong ngày hội mừng giải phóng để lên đường.
Sơ đồ tác chiến trận đánh vào thị xã Phan Rang sáng ngày 16/4/1975 của quân đoàn 2, dẫn đầu là xe tăng của lữ 203 (về sau này và hiện nay 203 là biên chế của quân đoàn 2). Lại còn có cả cao xạ 37 nữa. (Xem hình ở dưới)
Pháo ta bắn vào sân bay Thành Sơn là pháo lệnh mở màn cho trận đánh.
Dẫn đầu là một xe thiết giáp lội nước của 203 do trinh sát sư đoàn 325 dẫn đường. Trên xe này hỏa lực mạnh nhất là một khẩu 12 ly 7, còn lại là hai tay súng AK của hai thằng trinh sát chúng tôi. Khi đụng độ với địch ở chốt tiền tiêu của chúng trên đường 1. Chúng bắn DKZ sạt qua xe của chúng tôi và đại liên 12 ly 8 bắn rất rát. Xạ thủ 12 ly và tôi nấp sau tấm chắn, anh ấy thì bắn còn tôi thì quan sát. Được một đoạn thì xe chúng tôi chạy nép về một bên nhường đường cho T54 vượt lên bắn chúng nó bằng pháo 100. Riêng tiếng gầm rú của T54 nghe đã kinh. Pháo 100 bắn thẳng thì không thằng nào là không vãi c. . . ra quần mà bỏ chạy.
Tiếng xe tăng gầm rú, tiếng pháo tăng và tiếng 12 ly 7 thì đùng đùng ngay bên tai khiến tôi và xạ thủ 12 ly 7 có gào lên cũng không nghe thấy nhau. Tôi vỗ vai anh ấy và chỉ lên phia trước, trên đầu. Một tốp A37 bốn chiếc bay rất thấp. Chúng bay rất nhanh có cảm giác như nếu không cúi xuống thì nó đâm vào đầu mất. Xạ thủ 12 ly 7 (có lẽ đêm hôm trước đã hỏi tên anh rồi nhưng mà bây giờ không nhớ. đêm đó chúng tôi cũng bị A37 ném bom nên lúc đầu chúng tôi còn đõ xe trên mặt đường, sau đấy thì cho xe lội xuống ruộng) hướng súng về phía máy bay vừa rê súng vừa giữ cò liên tục.
Ngoảnh lại phía sau, tôi thấy một đoàn xe rất dài của ta đang hành tiến trên đường. Bọn chúng bay thấp quá chắc là cao xạ 37 không kịp bắn, chỉ thấy toàn 12 ly 7 bắn. Bị bắn rát quá nên sau đó các tốp A37 khác bay lên cao thả bom. Tôi có nghe thấy tiếng liên thanh của cao xạ 37 nhưng không nhìn thấy máy bay rơi vì đang mải quan sát đich ở phía trước.
Xe tiến được thêm một đoạn nữa thì hai chiếc xe tăng đi trước tôi bị DKZ của địch bắn trúng, bị cháy và dệ sang bên đường. Trận này 203 chỉ bị cháy 2 xe tăng và không phải do bị bom như Tunguska nói. Xe chúng tôi vượt qua hai chiếc tăng cháy. khi đi ngang qua, thấy anh em từ trong xe tăng cháy bật nắp nhảy ra, có anh trên người còn đang cháy, khói nghi ngút. Không rõ sau đó có sao không. Chúng tôi không được phép dừng lại, cứ thế vượt qua. Xe của chúng tôi lại thành ra đi đầu. 12 ly 7 quét liên tục về phía địch. thấy chúng nó bỏ chạy, thằng thì chạy dọc theo đường, thằng thì chạy tản ra phía hai bên cánh đồng. AK của tôi cũng được dịp điểm xạ liên tục. Sao mà điểm xạ ngon thế, đúng hai viên một, không tắc cú phát nào. Nhưng không biết có trúng được phát nào không, thấy chúng ngã xuống thế mà khi chúng tôi đi qua chúng lại vùng chạy tiếp . . . Hì . . . hì
No comments:
Post a Comment